Blockchain Việt Nam năm 2022: Thanh lọc để tìm các công ty có năng lực và giá trị

Đình Đức Chủ nhật, ngày 01/01/2023 16:13 PM (GMT+7)
Công nghệ blockchain được biết đến tại Việt Nam từ những năm 2009 nhưng chỉ thực sự được quan tâm rộng rãi cách đây khoảng 3-5 năm với những ứng dụng đầu tiên và được nhiều người quan tâm nhất là tài chính, mà chủ yếu là tiền mã hoá và game NFT.
Bình luận 0

BIDV đã tiên phong ứng dụng blockchain

Sau thời điểm bùng nổ của thị trường tiền mã hóa và game NFT vào nửa cuối năm 2021, trong suốt cả năm 2022 vừa qua, nhiều hoạt động thúc đẩy tiến trình phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực tế tại Việt Nam đã liên tục được tổ chức, triển khai trên diện rộng.

Trong đó, một dấu mốc quan trọng của ngành blockchain Việt Nam là Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) chính thức được Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập và ra mắt vào tháng 5/2022, đánh dấu việc ngành blockchain trong nước từ chỗ phát triển hoàn toàn tự phát do các cá nhân khởi xướng đã được chính phủ nhìn nhận và tạo điều kiện để có thể được đầu tư phát triển bài bản, quy mô.

Blockchain Việt Nam năm 2022: Thanh lọc để tìm các công ty có năng lực và giá trị - Ảnh 1.

Đặc biệt, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho ngành công nghệ mới mẻ này còn chưa rõ ràng, người dùng chủ yếu tập trung vào thị trường tiền mã hoá, VBA ra đời là bước tiến lớn nhằm gắn kết các doanh nghiệp đang hoạt động về blockchain, đưa blockchain về đúng với ý nghĩa của nó là công nghệ lõi, giúp thúc đẩy các ngành nghề khác. VBA cũng đồng thời đảm nhiệm một trọng trách quan trọng là nghiên cứu, tham vấn cho các cơ quan Nhà nước xây dựng hành lang lang pháp lý để thúc đẩy phát triển và quản lý ngành.

Sau sự kiện VBA ra đời, nhiều hoạt động lớn khác cũng liên tục được diễn ra như các Hội nghị thượng đỉnh về NFT, Blockchain, triển lãm,… góp phần thúc đẩy ngành blockchain dần trở thành trụ cột cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng bước đầu được triển khai trong ngành xác thực dữ liệu, phát hành trái phiếu, truy xuất nguồn gốc nông sản, bảo hiểm, logistics…

Ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng BIDV đã tiên phong ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại; MB, VPBank, Vietcombank… cũng đã công bố ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính, công ty Chứng khoán Kỹ thương ứng dụng blockchain và Hợp đồng thông minh vào phát hành trái phiếu.

Ở lĩnh vực bất động sản, những ứng dụng về bất động sản chia nhỏ theo quy mô và thời gian sở hữu dần được công bố như Realbox,… trong khi các ứng dụng về theo dõi thể chất như Calo, Livwell cũng được nhiều người biết tới.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế cũng sử dựng blockchain vào vận hành, điển hình như công ty Genitica. Nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như thanh toán, nhân sự, logistic đang từng bước thăm dò và triển khai thử nghiệm blockchain.

Theo ông Cris D.Tran – CSO công ty ONUS, nhiều ứng dụng blockchain thuần Việt Nam đã ra đời và được đón nhận như Glodao (Giải pháp web3 giúp tiếp cận cộng đồng cho các dự án), MoonKa (Kết nối bất động sản mua chung) hay Snaptask (Công cụ giao việc và kiểm tra tiến độ) hay Livwell (ứng dụng tập luyện ra tiền từ năm 2020),…

Ngoài ra, xuất phát từ vấn nạn buôn bán, sử dụng chứng chỉ hay bằng cấp giả, nhóm nghiên cứu thuộc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông (PTIT) đã kết hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của CMC cũng đã phát triển Cổng thông tin xác thực văn bằng chứng chỉ ứng dụng công nghệ blockchain và chữ ký số. Giải pháp hướng tới mục tiêu kép là có thể xác thực được nguồn gốc văn bằng và đảm bảo tính pháp lý.

Chia sẻ về ứng dụng chữ ký số, xác thực dữ liệu, ông Thuật Đỗ – Giám đốc FPT Blockchain Labs cho biết, đây có thể là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của blockchain mà bản thân FPT cũng đang dốc sức triển khai.

Để giải thích một cách đơn giản về tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế mà việc ứng dụng công nghệ blockchain có thể mang lại đối với riêng lĩnh vực này, ông Thuật lấy ví dụ về việc mạng blockchain Ethereum có 200 triệu người dùng nhưng không cần xác minh danh tính mà vẫn có thể thực hiện chuẩn xác các giao dịch trị giá hàng ngàn tỷ USD.

Các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền cần tận dụng được ưu điểm này của blockchain để phát triển công cụ xác thực chữ ký số. Điều này sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình số hóa dữ liệu quốc gia.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác đang tiếp cận blockchain dè chừng, ngoài lý do về vấn đề pháp lý, còn một số rào cản khác như chi phí nghiên cứu lớn, quá trình chuyển đổi vận hành phức tạp.

Tương lai của ngành blockchain Việt Nam: Cửa lớn đang rộng mở

Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và những người có kinh nghiệm hoạt động thực tế trong ngành, việc thử nghiệm triển khai blockchain cần thời gian để chứng minh hiệu quả do còn rào cản về hành lang pháp lý và sự thận trọng của chính các đơn vị triển khai dự án.

Tuy nhiên với góc nhìn tích cực từ Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành, blockchain sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai gần, khi các quy định rõ ràng hơn và nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực mới mẻ này được gia tăng trong giai đoạn từ 2023 trở về sau.

Đánh giá thêm về thực trạng ngành blockchain Việt Nam trong năm nay, ông Trần Lê Hưng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban ứng dụng Fintech – Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ, sau trào lưu GameFi, khả năng áp dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế khác như lưu trữ thông tin phi tập trung, thanh toán, chứng thực sẽ phát triển.

“Năm 2022 là một trong những năm tiêu cực của ngành blockchain không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên có thể xem đây là đợt thanh lọc để xác định được các công ty có năng lực và giá trị”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng bày tỏ sự lạc quan khi nói về triển vọng của ngành trong tương lai gần và cho rằng “Blockchain đã và luôn sẽ là câu chuyện sẽ được nói tới trong thời gian sắp tới, ít nhất là từ 5 – 7 năm. Ông tin rằng công nghệ blockchain sẽ là một sự lựa chọn thay thế phù hợp bên cạnh các giải pháp internet truyền thống. Ngoài ra blockchain còn mở rộng cánh cửa tiếp cận những sản phẩm mới như metaverse, VR, AR nơi mà các dịch vụ sản phẩm công nghệ mang lại cho người dùng cuối nhiều trải nghiệm mà ở các thời kì trước không mang lại được”.

Cùng nhận định, ông Hoài Nam, cố vấn dịch vụ bảo mật Verichains cho rằng ứng dụng công nghệ blockchain trong năm 2022 vừa qua tập trung chủ yếu vào tiền mã hoá, đặc biệt là GameFi do dòng tiền đổ vào thị trường này lớn, bên cạnh sự thành công của tựa game Axie Infinity.

Sang năm 2023 và giai đoạn tới, các ngành nghề khác cũng sẽ dần ứng dụng công nghệ blockchain sâu rộng hơn khi nhận thấy hiệu quả thực tế mà công nghệ này mang lại. Những ứng dụng mang tính thực tế sẽ ngày càng được triển khai rộng rãi hơn, ví dụ việc các câu lạc bộ phát hành NFT để quản lý thành viên như Zoba, với sự kết hợp của nghệ sỹ và các công ty tiên phong như Vingroup.

Bên cạnh sự lạc quan, ông Hưng và ông Nam cũng chia sẻ, người dùng và những người phát triển các dự án blockchain vẫn cần thận trọng khi đầu tư tài sản và công sức của mình bởi thị trường rất tiềm năng nhưng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vì vậy, bên cạnh các kế hoạch phát triển để đón đầu cơ hội tăng trưởng bùng nổ thì các cá nhân, tổ chức cũng cần những chính sách nhằm quản lý rủi ro.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem