Bộ Công an nêu 5 lý do sửa quy định của xe được quyền ưu tiên

Lương Kết Thứ hai, ngày 02/03/2020 11:27 AM (GMT+7)
Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bình luận 0
img

Ảnh minh họa.

Quy định hiện hành về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên hiện nay là Nghị định 109/2009/NĐ-CP  (viết tắt Nghị định 109). Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Công an, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 109 công tác quản lý lắp đặt, sử dụng và sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thiết bị ưu tiên đã cơ bản đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 109 còn một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (quy định tại Điều 3 Nghị định 109): Việc quy định về đối tượng xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông đường bộ còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là các xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai, phòng chống dịch bệnh, nên nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên;

Hiện nay, các phương tiện thủy được quyền ưu tiên được sử dụng âm hiệu, đèn hiệu và cờ hiệu theo quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 và Quyết định số 30/2004/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2004 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của tín hiệu trên phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể về các loại thiết bị ưu tiên này (về tiêu chuẩn kỹ thuật, âm thanh, hình dáng, kích thước,...) gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng các phương tiện thủy được quyền ưu tiên...

Thứ hai, về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (quy định tại Điều 9 Nghị định 109): Tại khoản 2, Điều 22, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đối với xe được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên theo quy định. Tuy nhiên, tại Nghị định 109 quy định tín hiệu ưu tiên đối với xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp chỉ được lắp đặt, sử dụng cờ hiệu và biển hiệu ưu tiên riêng, nên hạn chế đến việc cảnh báo cho người tham gia giao thông biết, nhường đường khi đi làm nhiệm vụ.

Thứ ba, về tiêu chuẩn kỹ thuật, hình dáng, kích thước của thiết bị ưu tiên (quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định 109): Hiện nay, các thiết bị ưu tiên cơ bản được nhập khẩu từ nước ngoài, hình dáng, kích thước, công suất, cường độ sáng, tốc độ quay của các thiết bị này cũng đã thay đổi để phù hợp với tình hình giao thông và khoa học công nghệ trên thế giới, ví dụ: Dùng đèn Led thay thế đèn sợi đốt; đối với còi phát tín hiệu ưu tiên cũng đã nâng công suất máy tăng âm lên (100 ÷ 200W) với xe ô tô và 50W với xe mô tô,... Do đó, cần phải điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị ưu tiên cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ tư, về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý xe được quyền ưu tiên (quy định tại Chương III Nghị định 109): Chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý, sử dụng xe được quyền ưu tiên, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho đội ngũ lái xe còn hạn chế, cá biệt có trường hợp lạm dụng tín hiệu ưu tiên, lợi dụng xe được quyền ưu tiên chở người sai quy định (như xe cứu thương chở cán bộ, công nhân viên đi họp, chở khách...), vận chuyển hàng hóa bị cấm, vi phạm pháp luật gây phản cảm trong dư luận xã hội và nhân dân;

Công tác rà soát, quản lý xe được quyền ưu tiên còn chưa thực hiện nghiêm túc; một số cơ quan, đơn vị có xe được quyền ưu tiên không làm thủ tục đề nghị Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; khi bán, thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng không đến Cơ quan có thẩm quyền để trả lại Giấy phép và gỡ bỏ thiết bị ưu tiên theo quy định.

Thứ năm, việc cấp Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên: Quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, hồ sơ cấp Giấy phép cần phải được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo việc cấp Giấy phép được chặt chẽ, đúng đối tượng...

Theo đề cương dự thảo Nghị định, điều 3 quy định về đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên gồm:

1. Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải can phạm, phạm nhân, tham gia phòng, chống khủng bố.

2. Xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: xe chữa cháy; xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; các xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải can phạm, phạm nhân, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng; xe làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường; xe làm nhiệm vụ Cảnh vệ; chỉ huy tác chiến chống khủng bố; thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc; chỉ huy đoàn hành quân.

3. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.

4. Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp, gồm: xe hộ đê; xe đi làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh,...

5. Phương tiện thủy làm nhiệm vụ đặc biệt trên đường thủy nội địa, gồm: phương tiện chữa cháy; phương tiện cứu nạn; phương tiện hộ đê; phương tiện của Quân đội, Công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; phương tiện, đoàn phương tiện hộ tống hoặc dẫn đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem