Bộ Công Thương: Doanh nghiệp Việt đã chủ động trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương: Doanh nghiệp Việt đã chủ động trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
An Linh
Thứ hai, ngày 30/12/2024 09:40 AM (GMT+7)
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, cho đến nay những lĩnh vực Việt Nam xuất khẩu trị giá tỷ USD đều được cảnh báo sớm và trực tiếp tham gia vào các vụ kiện.
Tại Toạ đàm "Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam” vừa được Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử tổ chức mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt xu hướng mới của phòng vệ thương mại.
Theo ông Trung, hiện nay phòng vệ thương mại phải có dự báo, tính toán từ trước, đưa ra những dự báo mang tính chất từ xa giúp doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước có sự chuẩn bị kỹ càng hơn khi vụ việc cụ thể phát sinh.
"Nói về những đề xuất, đầu tiên chúng tôi vẫn đang tiếp tục duy trình hệ thống phân tích cảnh báo mặt hàng xuất khẩu Việt nam có nguy cơ phòng vệ thương mại. Hiện nay, thông tin chúng tôi có được đều chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước địa phương, trung ương, hiệp hội để có danh mục mặt hàng có nguy cơ cao nhất", Phó Cục trưởng Cục PVTM nói.
Theo ông Trung, một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU, các thị trường có tần suất điều tra phòng vệ thương mại các hàng hoá Việt Nam, hàng đồ gỗ nhiều hơn gần đây như Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ...
Đại diện Cục PVTM cho biết, các dự báo đưa ra là để các cơ quan chức năng chủ động có những hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông tin một cách trọng tâm trọng điểm hơn, giúp doanh nghiệp nắm được thông tin cơ bản nhất về quá trình điều tra phòng vệ thương mại, để có thể chủ động hơn.
"Chúng tôi cũng có vấn đề liên quan đến chuẩn bị ấn phẩm hướng dẫn, cách thức xử lý, thậm chí chi tiết rất nhỏ như tham gia vụ việc phòng vệ thương mại thì cần việc gì, nộp thông tin cho cơ quan điều tra phòng vệ thương mại như thế nào...", ông Trung nói.
Theo đại diện Cục PVTM, khi các vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, phía cơ quan chức năng thường ngay lập tức thông báo cho doanh nghiệp, hiệp hội, cũng như phối hợp các bước tư vấn.Trong quá trình vụ việc diễn ra thì đều phải sát cánh với doanh nghiệp, theo dõi sát sao và sẵn sàng can thiệp nếu nhận thấy cơ quan điều tra của nước ngoài đi chệch hướng so với nguyên tắc chung.
Cuối cùng, "chúng tôi sẽ có những hoạt động mang tính chất tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin, có được thông tin 2 chiều từ phía doanh nghiệp để phát huy hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng phải xác định doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp nên luôn cần sự chủ động", ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Chu Thắng Trung, đối với Việt Nam hơi đặc biệt, cho đến hiện tại, chống bán phá giá chưa phải trọng tâm mà chủ yếu liên quan đến điều tra lẩn tránh xuất xứ, lẩn tránh đối với nước thứ 3 khác và áp dụng tiếp đối với Việt Nam. Tại sao có vấn đề này?
"Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay toàn cầu hoá, chuỗi giá trị, nên rất khó một nước tự cung cấp một mặt hàng, công đoạn Việt Nam tham gia chỉ là một, điều này có thể dẫn đến rủi ro liên quan đến lẩn tránh phòng vệ thương mại. Hiện ngành gỗ tập trung đối phó với những vụ việc như vậy", Phó Cục trưởng Cục PVTM nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trung, không loại trừ tương lai có nhiều hơn vụ việc điều tra chống bán phá giá với ngành gỗ, đây là điều ngành gỗ cần chú ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.