Bộ Công Thương tiết lộ số nhân lực "khủng" và 14 địa điểm có thể xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam

An Linh Thứ năm, ngày 02/01/2025 18:54 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa hé lộ Việt Nam có khoảng 13-14 địa điểm có thể xây nhà máy điện hạt nhân tương tự như ở Ninh Thuận. Bên cạnh đó, thông tin số nhân lực "khủng" Việt Nam cần để phát triển loại hình điện này và nhu cầu sắp tới.
Bình luận 0

Ngày 2/1 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các GIám đốc, hiệu trưởng các trường Đại học tại Việt Nam, các Tập đoàn như EVN, PVN…

Việt Nam có thể có 13-14 địa điểm có thể xây Nhà máy điện hạt nhân tương tự Ninh Thuận

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Cuối tháng 11 vừa qua, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là chủ trương lớn, hết sức đúng, trúng, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam, trong khi nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.

Bộ Công Thương "hé lộ" nhân lực khủng và 14 điểm có thể xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân ở Việt Nam (Ảnh: Bộ Công Thương).

“Thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: Công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh... Cùng với đó, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, rất phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050"- Bộ trưởng thông tin thêm.

Ông Diên nhấn mạnh, điện hạt nhân cũng là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, IoT...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Hiện có nhiều công nghệ của nhiều nước đã phát triển ở mức an toàn rất cao, thậm chí còn an toàn hơn rất nhiều các nguồn điện truyền thống khác, quy mô linh hoạt nên rất phù hợp với đặc điểm, địa hình, nhu cầu của nhiều địa phương, nhiều quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương: “Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân”.

Đặc biệt, “Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp. Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch... Điều đó phù hợp nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Hơn nữa Việt Nam là quốc gia đông dân số, dân số trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh”, Bộ trưởng Diên nói.

Theo ông Diên, trước đây Việt Nam tính đến làm 1-2 nhà máy đã cần vài ngàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật”, ông Diên nói.

Theo ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn.

Bộ Công Thương "hé lộ" nhân lực khủng và 14 điểm có thể xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 2.

Nhu cầu nhân lực cho điện hạt nhân của Việt Nam là rất lớn (Ảnh: Bộ Công Thương).

Hiện số nhân lực (KH&CN) về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thực tế theo báo cáo của Bộ Công Thương, tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hànhphê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) đến năm 2020” dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân; trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sỹ và tiến sỹ được đào tạo tại nước ngoài.

Hé lộ số nhân lực của Việt Nam cho điện hạt nhân

Nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử sẽ đào tạo được 650 kỹ sư, 250 thạc sỹ. Nhân lực phục vụ đào tạo, giảng dạy: đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo.

Theo báo cáo của EVN, giai đoạn đến 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận.

EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo Lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đây không chỉ dừng lại ở dự án điện hạt nhân mà là hệ sinh thái của điện hạt nhân và công nghệ điện hạt nhân trong tương lai.

“Muốn phát triển điện hạt nhân an toàn, bền vững thì nguồn nhân lực phải có trình độ, tiếp thu vận hành được các dự án cụ thể. Đồng thời, phải đủ khả năng để nhận chuyển giao về công nghệ tiến tới làm chủ công nghệ trong tương lai”, ông Diên nói.

Trong các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra, đáng chú ý chính sách thu hút các chuyên gia là người Việt Nam và cả những người yêu mến Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn lực cho điện hạt nhân của Việt Nam.

Theo ông Diên, “cần rà soát nguồn nhân lực chúng ta đã đào tạo trước đây thì bây giờ tái sử dụng được bao nhiêu, có cần phải đào tạo lại hay không”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn ATOMSTROYEXPORT của Liên bang Nga và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 02 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600-1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau.

Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5-10 năm.

Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như: Kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác- điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác…

Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 02 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem