Bộ Công Thương và Bộ Y Tế: Cùng hoàn thiện dự thảo liên quan đến quản lý thuốc lá thế hệ mới

Thủy Lê Thứ hai, ngày 26/12/2022 08:00 AM (GMT+7)
Tại Hội thảo "Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới" tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, đại diện nhiều bộ, ngành đồng thuận sớm đưa tất cả các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) chịu sự giám sát của luật pháp.
Bình luận 0

Các chuyên gia đánh giá, chỉ cần các bộ liên quan cùng thảo luận tháo gỡ những vướng mắt, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sẽ sớm được quản lý. Đây là điều cần thiết đáp ứng kêu gọi quản lý của Thủ tướng Chính phủ cũng như bảo vệ quyền lợi thỏa đáng cho cộng đồng, kể cả người hút thuốc.

Bộ Công Thương và Bộ Y Tế: Cùng hoàn thiện dự thảo liên quan đến quản lý thuốc lá thế hệ mới - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo "Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới"

Nghị định 67 sửa đổi sẽ là căn cứ để quản lý thuốc lá thế hệ mới

Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo 2 Bộ, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai các nội dung liên quan nhằm sớm thống nhất các nội dung, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, ban hành".

Ông Quý cho biết thêm, để hoàn thiện chính sách quản lý đối với các loại hình TLTHM, vừa qua Bộ Công Thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đối với Dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá trong đó có quy định đối với TLTHM theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 8564/VPCP-CN ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá.

Trả lời phỏng vấn báo PLVN, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương khẳng định: "Dự kiến trong tháng 12, sau khi có ý kiến trả lời chính thức của Bộ Y tế đối với một số nội dung còn vướng mắc trong dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới. Trên cơ sở đó, đây cũng là căn cứ để giúp cho quản lý nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn".

Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu cấp thiết của xã hội

Cũng theo ông Cao Trọng Quý, các sản phẩm TLTHM ra đời cách đây hơn 10 năm, là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ. Theo số liệu thống kê của WHO năm 2021, có 79/111 quốc gia (trên 70%) đã ban hành các quy định về thuốc lá điện tử (TLĐT) cho phép hợp pháp hóa các sản phẩm này. Về phía Bộ Khoa học-Công nghệ, ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá, do đó sẽ chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và tương ứng với luật kiểm soát thuốc lá của từng quốc gia. Theo báo cáo tháng 7/2021 của WHO, hiện đã có 184/193 quốc gia thành viên quản lý TLLN theo luật về kiểm soát thuốc lá, hoặc phân TLLN vào danh mục hàng hóa khác để quản lý.

Bộ Công Thương và Bộ Y Tế: Cùng hoàn thiện dự thảo liên quan đến quản lý thuốc lá thế hệ mới - Ảnh 2.

Ông Cao Trọng Quý chia sẻ, Bộ Công Thương mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn

Ông Cao Trọng Quý lý giải thêm, cơ chế quản lý đối với các sản phẩm TLLN tại các nước này khá khác nhau, nhưng phần lớn đều áp dụng những quy định nghiêm ngặt theo luật PCTHTL của nước đó ở mức độ khác nhau.

Nói về tình hình tại Việt Nam, ông Quý cho rằng, do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo tự phát tràn lan các sản phẩm nêu trên vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ lụy khác đối với xã hội; nhà nước không thu được các nguồn thuế cho ngân sách. "Vì vậy, nhu cầu quản lý thuốc lá thế hệ mới trong giai đoạn này là cần thiết", ông Quý khẳng định.

Ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho rằng, với TLTHM, phải tìm cách quản lý với khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo thị trường phát triển theo đúng hướng. Ông cũng cho rằng cần thay đổi hướng tiếp cận, không thể dùng cách "quản không được, quản khó thì cấm".

Đại diện quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng. "Người hút thuốc hợp pháp có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang TLTHM ít tác hại hơn thuốc lá điếu. Đáng tiếc, những điều luật bảo vệ con người này dường như đang bị "bỏ quên" trong trường hợp TLTHM, khiến người hút thuốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hệ lụy không mong muốn", bà Liên bày tỏ.

Dưới góc nhìn của Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm định pháp lý về sự phù hợp của việc quản lý TLTHM, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, các sản phẩm TLTHM thuộc định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng lại chưa được quản lý trên thực tế. Ông Hải cho hay: "Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Nghị định sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành".

Nói về vấn đề các sản phẩm TLTHM, cụ thể là TLĐT hiện đang là công cụ cho ma túy núp bóng, trong hội thảo VNExpress mới đây, ông Hải cũng nêu rõ các cơ quan quản lý cần phân định rõ, sản phẩm chứa ma túy, chất cấm núp bóng dưới vỏ bọc TLĐT thì không còn được coi là sản phẩm thuốc lá nữa, và đương nhiên là thuộc danh mục hàng hóa bị cấm.

Hiện tình trạng chất ma túy tràn vào học đường dưới vỏ bọc của TLĐT lậu hay bánh kẹo, nước giải khát… xảy ra trong thời gian qua đang là mối lo ngại trong xã hội, các bậc phụ huynh. Trước tình trạng này, trao đổi tại phiên làm việc ngày 15/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga đang đề xuất có thể cấm học sinh hút TLĐT. Nhiều chuyên gia đánh giá, sau thời gian dài trì hoãn, công tác đề xuất biện pháp quản lý TLTHM đến nay đang có nhiều điểm sáng, nhất là từ việc hai bộ Công thương và Y tế cùng ngồi lại để thảo luận phương án quản lý TLTHM để trình Chính phủ kịp tiến độ. Có thể thấy rằng, cơ hội để sớm đưa các mặt hàng thuốc lá mới này vào kiểm soát chặt chẽ sắp đến, chấm dứt thời kỳ tung hoành của TLTHM lậu, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dùng lẫn cộng đồng. Đây không chỉ là kỳ vọng của đại diện các cơ quan chức năng nêu trên, mà còn là của toàn xã hội trong trong suốt nhiều năm qua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem