Phía sau những chú bò, người đàn ông cầm cây roi bước theo lơ đãng, dưới gốc cây, những người phụ nữ trong bộ quần áo lao động, khẩu trang trùm kín mặt, úp nón để tránh bớt cái nắng chiều gay gắt.
Nằm bên bờ biển Mỹ Khê, những cánh đồng ở hai thôn Mỹ Lại và Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi không trải dài mênh mông như những nơi khác. Từ bao đời nay, cư dân miền biển này đã quen theo chân đàn bò đi dọc bãi biển mưu sinh với nguồn cỏ tự nhiên dồi dào.
Khi bãi biển Mỹ Khê dần trở thành điểm du lịch quen thuộc với du khách, họ lùa đàn bò đi xa khu du lịch, đến những nơi nguyên sơ còn sót lại thả bò gặm cỏ.
Những chú bò gặm cỏ bên bãi biển.
Chiều muộn, khi bãi biển Mỹ Khê bắt đầu vắng người, con đường dẫn xuống bãi biển lại rộn lên khi người dân lùa đàn bò về sau khi bụng bò no kễnh.
Xóm Khê Thanh, thôn Mỹ Lại nằm cách bãi biển hơn 1km, nhưng lại rất đông hộ nuôi bò, mỗi ngày hai lượt, người dân lại dắt bò đi, lùa bò về như đi hành quân, khiến con đường vào làng rộn lên chen chúc.
Sau một ngày đưa bò đi ăn, ông Huỳnh Văn Tiên (56 tuổi, xóm Khê Thanh) cùng bà con lùa đàn bò về nhà. Trên chiếc xe đạp, ông cười phớ lớ, khoe 4 con bò giống trong đó có hai con đang mang bê con trong bụng.
Lùa đàn bò vào chuồng, ông bảo, phải lùa bò đi như thế này nó mới không phá chuồng, vừa giữ vệ sinh, đàn bò lại được hít thở khí trời và gặm cỏ tự nhiên, bớt dịch bệnh.
“Nghề” chăn bò bãi biển đã gắn bó với ông từ khi ông còn là một chàng thanh niên. Ông Tiên nhớ lại, khi chưa có cây cầu Kinh Giang bắc qua dòng sông Kinh, người dân xóm Khê Thanh và những xóm khác làng Mỹ Lại phía bên kia dòng sông vẫn thường thả bò xuống sông, để bò đi hoặc bơi trên sông đến bãi biển, rồi đón bò ở đầu bên kia để bắt đầu gặm cỏ.
Khi có đường lớn xây lên, người dân lùa bò theo đường lớn đi xuống những bãi đất dọc rừng dương, mùa đông và mùa xuân là lúc cỏ xanh tốt nhất.
Khi bò xuống biển, mùa gieo sạ, luá non, làm đòng và thu hoạch, trên các cánh đồng thôn Mỹ Lại và Cổ Lũy hiếm thấy một chú bò nào trên đồng, nhờ thế mà không có hiện tường bờ ruộng bị lở do bò đẵm, hay lúa bị bò ăn. Khi mùa gặt qua, đàn bò lại được lùa về đồng để thưởng thức rơm rạ sót lại sau mùa vụ.
Đường đến bờ biển dài hơn 1km, có người lùa bò trên xe đạp.
Nhờ có nguồn thức ăn luân phiên, nhiều hộ gia đình phát triển đàn bò số lượng lớn, hay chuyên nuôi bò cái để bán nghé con, đem lại thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Ông Phạm Chương-Chủ tịch Hội nông dân xã Tịnh Khê cho biết, đàn bò ở xã có 2.700 con, trong đó bò lại chiếm 2/3. Riêng thôn Mỹ Lại và Cổ Lũy, vừa có dòng sông Kinh, lại sát bên biển nên đất ruộng không nhiều bằng nơi khác, nhờ nguồn cỏ dọc bờ biển, người dân có được nguồn thức ăn khác cho đàn bò.
Ngày hai lượt, khi mặt trời vừa ló dạng người dân đã lùa bò xuống dọc bãi biển, đến khi mặt trời xế bóng, một số người khác lại lùa bò đi ăn chiều. Nhiều người đi đường bắt gặp đàn bò đi cùng hướng với những người đi biển nói đùa: “Bò cũng đi tắm biển”.
Hiền Linh (Báo Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.