Ông chính là người có sáng kiến ra cách dùng đèn đi - na - mô xe đạp để lấy ánh sáng trong phòng mổ.
Năm 1946, khi thành lập ngành Quân y, bác sĩ Trần Bảo cùng với 20 sinh viên được điều về Bệnh viện Ngoại khoa ở xã Xuất Cốc, huyện Ý Yên, Nam Định. Khi ấy phòng mổ của bệnh viện chỉ có một chiếc đèn bão tối mò mò, rất khó khăn khi phải mổ cấp cứu về đêm.
Trước tình cảnh khó khăn như thế, chàng sinh viên y khoa năm thứ 4 đã thao thức và nảy ra một sáng kiến: Dùng đèn đi-na-mô xe đạp. Ông Trần Bảo sốt sắng vay tiền bạn bè tìm mua chiếc xe đạp có đèn, bắt tay vào lắp ráp thực nghiệm. Lúc đầu thì cầm đèn soi vào ổ bụng, về sau cải tiến treo xe đạp ở ngoài phòng mổ để đảm bảo vô trùng, một người đạp liên tục như một "cua-rơ" thực thụ, vừa đỡ mỏi mà ánh sáng rọi vào trong giường mổ không bị lập lòe.
|
Bộ đèn mổ ở chiến trường của bác sĩ Trần Bảo. |
Từ đó các đội điều trị, các bệnh viện dã chiến khắp 3 miền Trung, Nam, Bắc, cả Campuchia, Lào đều áp dụng. "Cái khó ló cái khôn", sáng kiến tuyệt vời được áp dụng trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và còn được tiếp tục dùng trong chống Mỹ.
Báo chí Pháp đánh giá cao và nước Pháp mở phong trào quyên xe đạp cho nhà mổ Việt Nam, tên phong trào là "Chirugie à la bicyclette" (phẫu thuật với xe đạp). Sáng kiến ra bếp Hoàng Cầm cũng như sáng kiến đèn đi-na-mô xe đạp dùng làm đèn mổ của bác sĩ Trần Bảo thể hiện sinh động sự thông minh sáng tạo của người Việt Nam trong bối cảnh kháng chiến cực kỳ thiếu thốn, gian khổ.
Cho đến bây giờ, tuổi đã cao nhưng vị bác sĩ quân y này vẫn tiếp tục đem kiến thức của mình để giúp đỡ những người bệnh nghèo khó. Nhưng với ông, bộ đèn mổ, tự chế này vẫn là một kỷ vật đáng nhớ suốt đời và ông coi đó là một đóng góp nhỏ cho ngành quân y những ngày gian khó.
Khánh Gia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.