Bỏ độc quyền vàng miếng, giá vàng sẽ ra sao?

Phương Thảo Thứ bảy, ngày 23/03/2024 17:47 PM (GMT+7)
Nếu sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách.
Bình luận 0

Giá vàng liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây. Đây cũng là giai đoạn thị trường vàng đang chờ đợi sự thay đổi. Một trong những nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường để trình Chính phủ trong quý I này.

Chiều tối ngày 20/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng.

Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hơn 10 năm. Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.

Nếu sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách.

Trao đổi vấn đề trên với TS. Phạm Thu Thuỷ - Phó trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, bà chia sẻ: "Hiện tại Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, hơi mang tính hành chính. NHNN chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành như pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng. NHNN không nên tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường

Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC có thu hẹp được chênh lệch này hay không, là vấn đề rất được quan tâm hiện nay khi tổng kết Nghị định 24 vốn đã áp dụng hàng chục năm qua.

Trên thị trường, nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng cần sớm bỏ độc quyền. Điều này sẽ giúp khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp cũng sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách.

Bỏ độc quyền vàng miếng thì giá vàng sẽ ra sao?

TS. Phạm Thu Thuỷ chia sẻ: "Quy đổi giá vàng ở thị trường nước ngoài về Việt Nam với tỷ giá, chi phí, giá khoảng 62-63 triệu đồng/lượng. Nhưng giá vàng SJC cũng phải 76-78 triệu đồng/lượng. Như vậy là chênh nhau hơn 20%. Và khách hàng cũng có sự ngần ngại".

Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét. Tuy nhiên, có độc quyền hay không thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được ổn định thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong mua bán, tích trữ vàng.

Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ thì các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền

TS. Phạm Thu Thuỷ phân tích

Đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của NHNN tương đồng với đề xuất trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo TS. Phạm Thu Thuỷ, việc xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới là điều cần thiết, như vậy SJC sẽ không còn "một mình một chợ".

Chính vì không còn "một mình một chợ" nữa, nên nghị định trên sau khi chính thức được ban hành, giá vàng sẽ có thể "sập".

Bà Thuỷ nhận định: yếu tố cung cầu là yêu tố then chốt dẫn đến việc giá vàng tăng hay giảm. Nếu không có độc quyền, nhiều nhà sản xuất vàng mới có thể tham gia thị trường. Điều này có thể dẫn đến sự tăng cường cạnh tranh, vàng cung cấp mạnh, nhiều có thể làm giảm giá vàng nếu nhu cầu không tăng tương ứng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn còn mạnh mẽ có thể giữ cho giá ổn định hoặc tăng.

Giá vàng ngày 22/3 tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC giao dịch ở mức 78,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, trong khi giá bán ra tại mức 80,8 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng SJC còn giảm sâu hơn ở một số cửa hàng khác như ở DOJI, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 70,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với sáng qua.

Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 78,40 – 80,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem