Bộ đội ta chế tạo máy thông tin từ chiến lợi phẩm của quân Mỹ như thế nào?

Thứ hai, ngày 18/03/2024 08:30 AM (GMT+7)
Trần Việt Hùng sinh năm 1932, quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Năm 16 tuổi, anh tham gia công tác thông tin của Tỉnh ủy Bến Tre. Từ năm 1965, Trần Việt Hùng được điều sang phụ trách thông tin của Tỉnh đội Bến Tre.
Bình luận 0

Bến Tre là một tỉnh đồng bằng, trống trải, sông ngòi chằng chịt, địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Sau những thất bại nặng nề năm 1968, địch bắt đầu mở nhiều chiến dịch “bình định” hết sức khốc liệt. Việc liên lạc bằng hữu tuyến hoặc thông tin vận động rất khó khăn, địch rất dễ phát hiện. Hệ thống thông tin vô tuyến điện đã thiếu, nay do địch khủng bố gắt gao nên lại càng thiếu thốn hơn.

Phụ trách hệ thống thông tin của Tỉnh đội Bến Tre, Trần Việt Hùng ngày đêm suy nghĩ tìm ra phương án có đủ máy thông tin phục vụ chiến đấu. Kinh nghiệm nhiều năm làm thông tin liên lạc ở Tỉnh ủy, với sự cần cù, sáng tạo, anh cùng đồng đội tìm kiếm các loại chiến lợi phẩm của địch bỏ lại, như: Máy thu thanh, máy vô tuyến điện, sợi dây mìn, máy dò tiếng động, ống pháo sáng, thùng đựng đạn đại liên... mang về chế tạo máy vô tuyến điện đơn giản, gọn nhẹ, cơ động, phù hợp với điều kiện thực tế của chiến trường.

Bộ đội ta chế tạo máy thông tin từ chiến lợi phẩm của quân Mỹ như thế nào?- Ảnh 1.

Các chiến sĩ thông tin vô tuyến làm nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu Báo Vĩnh Long

Theo sơ đồ máy thu phát si-nel dùng đèn điện tử và bán dẫn, Trần Việt Hùng chế tạo, lắp ráp máy vô tuyến điện chạy ở 2 băng tần (băng 1 từ 6.500 đến 45.000 kHz; băng 2 từ 4.900 đến 3.800 kHz); thu phát chung một ăng-ten. Các đèn điện tử và đèn bán dẫn được lấy từ máy PRC-10, PRC-25; các tụ điện điện trở và cuộn cảm lấy trong máy thu thanh, máy thu tiếng động của địch. Ăng-ten được dùng bằng dây mìn claymore, sườn máy làm bằng ống pháo sáng. 

Các linh kiện khác từ lỗ cắm, đảo mạch, công tắc, rơ-le... đều được Trần Việt Hùng tận dụng từ các máy thông tin cũ hỏng thu được của địch. Ngoài ra, để máy được chắc chắn phù hợp với điều kiện chiến trường, máy được đặt trong thùng đạn đại liên nhưng vẫn làm việc tốt ở cự ly 150-200km.

Sau nhiều phiên liên lạc, hiệu quả của máy si-nel được khẳng định, Trần Việt Hùng cùng anh em trong tổ lắp ráp thêm 18 bộ để phục vụ chiến đấu. Các chiến sĩ báo vụ ở các đơn vị của tỉnh đội đã trực tiếp thu, phát hàng chục nghìn bức điện chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ huy đánh địch trong suốt những năm chiến đấu ác liệt từ 1968 đến 1975.

Với nhiều chiến công xuất sắc, Trần Việt Hùng 4 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngày 6/11/1978, Trần Việt Hùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phong Quang (Theo Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem