Bộ đội Việt Nam giải cứu Chủ tịch Quốc hội Campuchia như thế nào?
Bộ đội Việt Nam giải cứu Chủ tịch Quốc hội Campuchia như thế nào?
Hoàng Tuấn
Thứ sáu, ngày 23/12/2022 19:33 PM (GMT+7)
Heng Samrin và Hunsen khi đó là những người đứng đầu danh sách thanh trừng của Khmer Đỏ. Các trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trực tiếp vào lãnh thổ Campuchia giải cứu.
Trong những Tư lệnh của Quân đoàn 3 từng trực tiếp giữ vai trò chỉ huy trong Chiến dịch Biên giới Tây Nam giờ chỉ còn Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước còn sống. Trong chiến dịch đó, Tướng Thước – lúc đó là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 là người đã trực tiếp cùng Sư đoàn 10 vượt qua biên giới, tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia để giải cứu ông Heng Samrin(nay là Chủ tịch Quốc hội Campuchia).
Tướng Thước kể, năm 1978, khi ông đang làm nhiệm vụ tiêu diệt Furlo ở Tây Nguyên thì nhận được lệnh đưa quân về bảo vệ khu vực biên giới Tây Ninh, ngăn chặn âm mưu của quân Khmer Đỏ tấn công Tây Ninh rồi tiến vào Sài Gòn, lật đổ chính quyền của ta. Giải cứu được Sư trưởng Heng Samrin là một chiến công lớn của Quân đoàn 3 trong giai đoạn cuối năm 1978.
Trong năm 1978, đã có nhiều đại đội lính Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam. Họ là những người lính Khmer Đỏ đầu tiên nhận ra tội ác diệt chủng của chính quyền Pol Pot. Khi đánh hơi thấy những “kẻ chống đối”, chính quyền Pol Pot đã tiến hành những cuộc thảm sát trong chính quân đội của mình, đặc biệt là ở khu vực phía Đông Campuchia (giáp biên giới Tây Ninh) – nơi mà chúng cho rằng có nhiều thành phần thân Việt Nam.
Hai ông Heng Samrin và Hunsen khi đó là những người đứng đầu danh sách thanh trừng của Khmer Đỏ. Cùng với một số chỉ huy Khmer Đỏ khác, Hunsen và Heng Samrin đã lên kế hoạch lật đổ chế độ Pol Pot. Khi việc bị bại lộ, cả hai ông đều lọt vào danh sách những kẻ thù nguy hiểm nhất của chính quyền Pol Pot.
Trong lúc tính mạng đang bị đe dọa, Heng Samrin và Hunsen đã đặt niềm tin vào bộ đội Việt Nam. Tháng 10 năm 1978, trong khi ông Hunsen được Tỉnh ủy Tây Ninh đón sang Việt Nam thì ông Heng Samrin cũng được các trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trực tiếp vào lãnh thổ Campuchia giải cứu.
Khi nhận được thông tin từ phía ông Heng Samrin gửi sang, tướng Nguyễn Quốc Thước đã cùng với Sư đoàn 10 tiến sâu vào biên giới Campuchia hơn 10km. Từ đó, một nhóm trinh sát được cử tiếp tục đi sâu vào khu vực Đầm Be – nơi Heng Samrin và quân lính của mình đang lẩn trốn. Với sự bảo vệ của các trinh sát Sư đoàn 10, ông Heng Samri đã về đến khu vực biên giới an toàn. Tại đây, sau khi trò chuyện, trao đổi một số điều, tướng Thước đã lập tức đưa Heng Samrin về Bộ Chỉ huy Quân đoàn rồi từ đó về Bộ Tổng Tham mưu.
Tướng Thước kể: “Bây giờ thì ông Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin có lẽ không nhớ tôi là ai, nhưng tôi thì vẫn nhớ ông ấy. Trong trí nhớ của tôi, Heng Samrin không thay đổi nhiều. Vầng trán cao đặc trưng của ông ấy là một điểm đặc biệt dễ nhớ. Nhưng hồi đó, Heng Samrin gầy gò, rách rưới và ốm yếu hơn bây giờ rất nhiều. Duy chỉ có thần thái vẫn toát lên phong cách của một người chỉ huy: vô cùng điềm tĩnh, tuyệt nhiên không hề sợ hãi! Lúc đầu gặp, không khí giữa chúng tôi khá e dè, cảnh giác lẫn nhau vì chưa biết ai thực sự là bạn, ai thực sự là thù. Khi đã hiểu nhau, biết nhau cùng chung một mục đích, Heng Samrin nhanh chóng trở thành những người bạn của quân Việt Nam“.
Tôi chịu mọi trách nhiệm!
Trong Chiến dịch Biên giới Tây Nam, Quân đoàn 3 với sự chỉ huy của Tư lệnh – Thiếu tướng Kim Tuấn và Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước là một Quân đoàn chủ lực của quân tình nguyện Việt Nam, góp công rất lớn vào việc giải phóng Campuchia, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn Pol Pot.
Từ ngày 7/ 01/ 1979 đến ngày 17/ 01/ 1979, Quân đoàn 3 đã tiến hành một cuộc hành quân thần tốc qua các tỉnh Kong Pong Cham, Phnom Penh, Kong Pong Thom, Xiêm Riệp, Bat Tan Bang, Pousat, giải phóng 3/7 quân khu của Pol Pot ở vùng Đông, Tây Bắc và Tây Campuchia (chiếm phần lớn diện tích Campuchia). Trung bình mỗi ngày, cả quân đoàn đi được 100km, đi đến đâu, đánh địch đến đó rồi lại tiếp tục hành quân.
Những ngày cuối cùng của chiến dịch, tướng Nguyễn Quốc Thước đã chỉ huy Quân đoàn hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng ở chiến trường Campuchia: tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của Pol Pot, thu giữ 8 tấn vàng và bàn giao lại toàn bộ cho Campuchia làm tiền đề bắt đầu xây dựng lại đất nước. Sau chiến dịch cuối cùng này, Quân đoàn 3 trở về Việt Nam, tiếp tục tham gia Chiến tranh Biên giới phía Bắc. Bên cạnh sự tự hào, nỗi đau lớn nhất của những người lính Quân đoàn 3 ở đất Campuchia chính là sự hi sinh của Thiếu tướng – Tư lệnh Kim Tuấn.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, vào giữa tháng 3/ 1979, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 3 đóng ở khu vực Bat Tan Bang đã quyết định tổ chức chiến dịch truy quét vào hang ổ cuối cùng của Pol Pot tại vùng Săm Lop – Ta Sanh thuộc dãy núi Kravanh giáp biên giới Thái Lan. Thiếu tướng Kim Tuấn đã quyết định từ Bat Tan Bang trở về Xiêm Riệp để giao nhiệm vụ cho các sư đoàn đóng ở Xiêm Riệp phối hợp tổ chức chiến dịch cuối cùng này.
Ban đầu, tướng Kim Tuấn được đề nghị đi trực thăng, nhưng ông đã quyết định đi đường bộ với lý do muốn tham khảo địa hình trước khi cho các Sư đoàn hành quân. Trên đường đi, đoàn đã bị quân Pol Pot tập kích. Chiếc xe chở Thiếu tướng Kim Tuấn bị trúng một quả B40. Tư lệnh Kim Tuấn bị chấn thương nặng vùng cột sống. Dù bộ đội ta kịp thời ứng cứu, nhưng ông đã qua đời ngày 17/01 trên máy bay trực thăng đưa ông về cấp cứu ở Sài Gòn, khi máy bay vừa bay qua địa phận Phnom Penh.
Tướng Kim Tuấn là vị Chỉ huy cấp cao nhất của quân tình nguyện Việt Nam hi sinh ở chiến trường Campuchia. Ông cũng là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam được phong AHLLVTND. Trước khi mất, ông đã nhận hết trách nhiệm của vụ tấn công về mình để văn phòng Quân đoàn không bị truy cứu trách nhiệm. Đó là nguyện vọng cuối cùng của vị Tư lệnh Anh hùng của Quân đoàn 3.
Con lắc
Từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến nay, quan hệ Việt Nam – Campuchia đã trải qua không ít những giai đoạn thăng trầm.
Có thời điểm, khi chứng kiến những chuyển biến xấu trong mối quan hệ vốn rất hữu hảo nhiều năm giữa hai nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến đều rất lo lắng và buồn bã.
Các ông chia sẻ, Việt Nam, Campuchia và Lào giống như anh em trong nhà, như môi với răng. Chỉ cần không đoàn kết, thì không chỉ riêng một chính phủ nào, một đất nước nào, tất cả sẽ cùng suy yếu. Nhân dân Campuchia luôn yêu quý và tin tưởng nhân dân Việt Nam. Đường lối ngoại giao mềm mỏng, hữu nghị, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ khó khăn của ta với Campuchia trong thời gian qua đều được các tướng lĩnh lão thành ủng hộ và tin rằng Campuchia sẽ sớm nhận ra đâu là người bạn thực sự của mình.
Sau một quãng thời gian không mấy vui vẻ, những ngày cuối năm 2013 chứng kiến những tín hiệu đáng mừng trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Thủ tướng Hunsen đã chọn Việt Nam cho chuyến thăm chính thức đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ mới. Những ngày gần đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samri. Đó là lời khẳng định cho việc Campuchia đã và sẽ vẫn luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược và quan trọng nhất.
Như lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Quan hệ Việt Nam và Campuchia như một con lắc. Đôi khi con lắc có thể dao động vì lợi ích trước mắt của mỗi quốc gia, mỗi chính phủ. Nhưng nó sẽ trở lại vị trí ổn định và tốt đẹp vốn có, vì cuối cùng các bên đều hiểu, sự tồn tại và vững mạnh của quốc gia này là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của quốc gia kia“.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.