Những cái chết tức tưởi
Đã gần một năm trôi qua, nhưng người thân của anh Nguyễn Văn Lý (36 tuổi, ngụ ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau trước cái chết quá đột ngột của anh Lý.
Điện kéo vào ao tôm như mạng nhện, vừa thấp, vừa tạm bợ vô cùng nguy hiểm ở Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: HOÀNG HẠNH
Vào ngày 18.1, anh Lý câu nối nguồn điện hạ áp 220V từ nhà vào môtơ điện để bơm nước cho vuông tôm. Do bất cẩn trong lúc kéo dây điện đấu vào cầu dao tự động, anh Lý bị điện giật tử vong. “Thằng Lý qua đời để lại vợ và con nhỏ. Lúc còn sống nhờ đồng lương phó công an xã, cộng với nguồn thu từ mấy công đất gia đình, cuộc sống cũng ổn định. Vậy mà đùng một cái tai họa từ trên trời rơi xuống khiến ai nấy cũng đau lòng” – bà Loan, một người họ hàng của anh Lý buồn bã.
Còn tại ấp Long Hà, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu vào chiều 16.2 cũng xảy ra một vụ điện giật khiến 2 cha con chết đau lòng. Ông Nguyễn Thế Hệ (49 tuổi) ở ấp Long Hà kêu người con trai là Nguyễn Minh Hải (16 tuổi) đóng điện cho môtơ quạt oxy ao tôm nuôi. Nhưng vừa đụng vào cầu dao điện nối môtơ, em Hải đã bị điện giật ngã lăn ra bờ vuông chết. Thấy con bị điện giật, ông Hệ chạy tới ôm con lôi ra nhưng cũng bị điện giật chết chung với con.
Khó kiểm soát
"Người dân tự ý kéo điện từ nhà ra đầm tôm không đúng kỹ thuật hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên, do ở vùng sâu, vùng xa nên ngành điện và các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Hiện tại biện pháp chính là tuyên truyền đến các hộ dân phương pháp sử dụng điện an toàn”.
Ông Trang Văn Sách
|
Ông Trang Văn Sách – Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Cà Mau) cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra 28 trường hợp tử vong do điện giật (làm chết 25 người, bị thương nặng 3 người). Riêng trong năm 2014 có đến 44/48 trường hợp tử vong do bị điện giật. “Những con số về các vụ tai nạn là đáng báo động, mà nguyên nhân chính là do người dân tự ý kéo điện từ trong nhà ra các đầm tôm công nghiệp không đúng quy định an toàn của ngành điện” – ông Sách khẳng định.
Theo ông Sách, tại một số vùng nuôi tôm tự phát ở bán đảo Cà Mau, hầu hết người dân sử dụng đường dây điện kéo từ nhà ra vuông tôm một cách rất cẩu thả. Họ sử dụng trụ đỡ bằng cây gỗ tạm bợ, không chắc chắn, đường dây thấp và không sử dụng sứ cách điện để đỡ dây, cá biệt có khi rải theo bờ vuông. Có trường hợp, người nuôi kéo một đường dây điện nóng, đóng cọc đất để lấy nguội, không quấn băng keo mối nối…
Còn ông Nguyễn Thanh Tòng - Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý điện và môi trường (Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu) cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay ngành chức năng đã mở nhiều lớp tập huấn về an toàn trong sử dụng điện cho tất cả cán bộ, ban ngành của huyện, các xã phường, trưởng ấp trên địa bàn và hơn 400 hộ nuôi tôm công nghiệp.
“Biện pháp chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở. Hiện nay số vụ vi phạm về việc sử dụng điện không an toàn rất nhiều, nhưng rất khó xử lý. Cụ thể như pháp luật không cho phép sử dụng kéo điện chia hơi, nhưng trên thực tế ở các vùng nông thôn, những nơi chưa có điện thì người dân buộc phải sử dụng điện chia hơi, mất an toàn... nếu cắt điện theo quy định thì người dân không có điện để sử dụng. Còn tăng cường kiểm tra thì không có đủ cán bộ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa” - ông Tòng nêu khó khăn.
Sở Công Thương Cà Mau đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn sử dụng điện đến 18 xã của các huyện, thành phố có diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng, nhằm giúp người dân tự bảo vệ tính mạng của mình khi dùng điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.