Ám ảnh những cái chết vì bệnh dại
PGS, TS Bùi Huy Hà Vũ - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tâm sự gần 30 năm trong lĩnh vực truyền nhiễm nhi khoa, ông không thể nào quên được những cái chết của trẻ do bị lên cơn dại. Bị dại ở người lớn đã đau lòng rồi, ở trẻ em còn kinh khủng hơn. Đáng tiếc là trẻ dễ bị dại vì thường hay trêu đùa với chó và khi bị chó cắn, nếu cha mẹ không theo dõi để ý, sẽ không biết để tiêm phòng cho các con.
Ảnh minh họa
Trường hợp của bé Cao Thanh H. 7 tuổi trú tại Phú Thọ là một ví dụ. Bé H. bị con chó con của nhà hàng xóm cắn. Sau khi cắn bé, con chó cũng bỏ đi mất nên người thân trong nhà chẳng ai để ý gì đến vết cắn của con chó trên bàn tay cháu bé.
Một tháng sau, bé H. phát bệnh dại với các biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng. Để trốn lại những điều sợ hãi đó, H. chui vào gầm giường, gầm bàn bất kể chỗ nào tối tăm. Bố mẹ gọi bé ra ngoài thì chỉ thấy con kêu kêu chứ không nói thành tiếng. Biểu hiện như của một con chó. Thấy vậy, ba mẹ cháu đưa con lên viện cấp cứu.
Khi đến bệnh viện tỉnh, bác sĩ cho biết cháu bị dại. Nhưng gia đình vẫn cố gắng còn nước còn tát đưa con lên tuyến trung ương. Lên đến bệnh viện được hai hôm thì cháu bé tử vong. Dù gia đình, bác sĩ ai cũng muốn cứu cháu nhưng mọi thứ đều không thành vì bệnh dại đã phát tác thì vô phương cứu chữa.
Điều đau đớn nhất của các bác sĩ truyền nhiễm Nhi, hồi sức Nhi đó là thấy những đứa trẻ co thắt thanh quản không nói được. Các em còn chưa thể nhận biết được bệnh dại là gì, chỉ biết đón nhận cái chết từ từ. Người lớn khi nghe đến bệnh dại còn hiểu chứ trẻ em thì chẳng mấy đứa trẻ biết. Bác sĩ Huy cho biết khi nuôi chó mèo trong nhà cần tiêm ngừa bệnh dại và theo dõi khi bị chó mèo cắn nếu 10 ngày sau con chó không chết thì không cần tiêm còn chó chết thì phải đi tiêm.
Khi chó cắn ở phần đầu mặt, bắt buộc phải tiêm cả vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại vì vùng thần kinh trung ương khi bị nhiễm vi rút dại phát bệnh rất nhanh.
Tuyệt đối không tin thầy lang chữa được bệnh dại
Bác sĩ Huy cho biết một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhi bị dại không được tiêm phòng kịp thời là do phụ huynh tin thầy lang hơn vắc xin. Trường hợp của cháu Nguyễn Hải H. 12 tuổi, Thái Bình là điển hình. Khi nhập viện cháu H có biểu hiện vật vã, sợ nước, sợ gió và co thắt thanh quản khiến cháu không nói được, mắt thì sáng như người bình thường.
Khi nhập viện, gia đình cháu cho biết con bị chó cắn, 1 tuần sau gia đình làm thịt con chó vì có dấu hiệu ốm. Bố mẹ đưa cháu bé đi tiêm phòng vắc xin dại được 1 mũi rồi bỏ dở đi chữa lang vườn. Hai tuần sau, cháu H. có biểu hiện phát bệnh dại thì mọi cố gắng, nỗ lực cứu chữa đều không thành công.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết các trường hợp tử vong do dại là do không đi tiêm phòng dại sau khi bị chó nghi dại cắn. Các trường hợp tử vong tập trung chủ yếu ở các đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do không có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại và sự lưu hành các ổ dịch dại trên chó, đặc biệt hiện tượng chó thả rông và không được tiêm vắcxin đầy đủ còn khá phổ biến. Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á xuất hiện bệnh dại trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới.
Mỗi năm ở nước ta có hàng trăm trường hợp bị lên cơn dại dẫn đến tử vong. Năm 2011 có 110 trường hợp, năm 2012 có 98 trường hợp, năm 2013 có 102 trường hợp.Năm 2014 số bệnh nhân tử vong do dại giảm còn 66 người. Chi phí người dân trả tiền tiêm vắc xin và huyết thanh điều trị dự phòng bệnh dại lên tới hơn 300 tỷ đồng mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.