Bố mẹ cho con tự học ở nhà gần 6 năm

Thứ sáu, ngày 16/10/2015 11:39 AM (GMT+7)
Không muốn con bị áp lực hay học những môn không có giá trị thực tiễn, anh Bùi Huy Kiên ở Long Biên, Hà Nội, hướng con đến hình thức homeschooling (học ở nhà).
Bình luận 0

Gần 6 năm qua, con trai anh Kiên, cậu bé Bùi Huy Khang, 13 tuổi, học tại nhà, dưới sự hỗ trợ, giám sát của bố mẹ. Khang cảm thấy thoải mái, thích thú vì không bị gò bó với những quy định ở trường. Em được tự do lựa chọn môn học, giờ học và nơi học. Thay vì miệt mài chạy theo thời khóa biểu trên lớp và học thêm, Khang dành thời gian đi bảo tàng để được tận mắt nhìn thấy hiện vật, tham gia hoạt động ngoại khóa để thực hành kiến thức học được hay dã ngoại vào rừng để tìm hiểu thực vật, côn trùng. Khang từng đến trường nhưng chỉ một thời gian ngắn thì dừng lại. 

img

Anh Kiên đồng hành cùng con theo homeschooling gần 6 năm qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo anh Kiên, ở Việt Nam, hình thức homeschooling không mới. Một số gia đình nước ngoài sống tại đây cũng cho con học ở nhà vì trường quốc tế đông, học phí lại cao. Muốn con tiếp thu kiến thức hữu ích và giảm áp lực không cần thiết, vợ chồng anh Kiên quyết định dạy con ở nhà, thay vì đến lớp.

Nhắc tới con trai, anh Kiên cho biết khác với cô em 4 tuổi sôi nổi và hay hỏi, Khang trầm tính và ngại tiếp xúc đông người. Nếu không biết chuyện gì, con gái sẽ đặt nhiều câu hỏi, trong khi con trai lẳng lặng đọc sách, tự tìm câu trả lời.

Lúc đầu, nhiều người thân và bạn bè thấy việc cho con học ở nhà của vợ chồng anh Kiên là không bình thường nhưng ông bố này quyết tâm "chỉ cho họ đó là điều bình thường". Anh Kiên thừa nhận ban đầu cũng thấy mạo hiểm nhưng anh muốn có sự khác biệt, giống như nhiều người khác từng làm và thành công. Phụ huynh này cho hay ưu điểm của homeschooling là sự linh hoạt, mềm dẻo vì chỉ cần một màn hình và đầu DVD, học sinh có thể học ở bất cứ đâu và lúc nào. Một năm trẻ có thể đi chơi hoàn toàn, năm sau học bù, hoặc học sinh học một năm hai lớp nếu đủ thông minh hay hai năm một lớp. 

Homeschooling có nhiều hình thức khác nhau và sau khi tìm hiểu, anh Kiên thấy chương trình hiện tại phù hợp vì cha mẹ, con cái có nhiều cơ hội tương tác. Anh mua giáo trình homeschooling gồm sách và đĩa DVD của một trường danh tiếng ở Mỹ. Trước khi bắt đầu, vợ chồng anh cũng nghiên cứu và để con trai nghe đĩa suốt một tháng. Điều thuận lời là anh Kiên và vợ đều làm việc ở nhà nên có thời gian cùng con học.

img

Kiên tham gia buổi dã ngoại trong rừng cùng các em nhỏ của một trường ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Thằng bé rất thích. Sáng con học từ 9h đến 16h. Hiện tại, Khang bị học chậm và cũng vì muốn có nhiều thời gian đi chơi nên phải học dồn. Gia đình có lịch trình cụ thể nhưng con có quyền lên tiếng. Tất nhiên Khang vẫn phải học theo thời gian biểu nhưng con có thể nghỉ nếu mệt hoặc có dự án nào đó. Chỉ cần ý kiến, bố mẹ sẽ xem xét", anh Kiên nói.

Chương trình được thiết kế dễ hiểu, nhẹ nhàng, có tính lặp đi lặp lại. Trên đĩa có một loạt menu là các môn học hiện ra. Học sinh chọn môn nào mình thích và bỏ qua những môn không hứng thú. Phụ huynh cũng được cung cấp đáp án đầy đủ để tra cứu nên nếu con không hiểu có thể hỏi bố mẹ. Bố hoặc mẹ thay nhau học cùng con nhưng không nhất thiết ngồi một chỗ, có thể mang sách đi lại thoải mái.

Người học cũng được giao bài tập về nhà nhưng ở dạng đơn giản, không đánh đố, giúp nhớ lại kiến thức được học. Mỗi tuần, Khang có vài bài kiểm tra trên giấy. Bố mẹ tự chấm bài cho con hoặc gửi nhờ trường bên Mỹ. Năm đầu tiên, gia đình anh Kiên theo chương trình cấp chứng chỉ nên nhờ trường chấm và đánh giá. Hiện tại, vợ chồng anh tự chấm điểm cho con. Điểm trung bình Khang đạt được là B+, tương đương với mức khá.

img

Khang (áo xanh) trong lần đi chơi thác Dải Yếm ở Sơn La. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Phụ huynh được cung cấp chi tiếp đáp án bài kiểm tra để dựa vào đó chấm điểm. Bố mẹ được khuyên nên giữ kín tài liệu dành cho mình. Nếu họ không trung thực sẽ dạy cho con đức tính không trung thực", anh Kiên giải thích.

Chương trình homeschooling của Khang không chỉ giúp tiếp nhận kiến thức mà còn dạy người học cách tra cứu thông tin ở đâu và bằng cách nào. Các phụ huynh khi cho con học homeschooling theo giáo trình nước ngoài cần biết tiếng Anh nhưng không nhất thiết phải giỏi. Anh Kiên thừa nhận tiếng Anh không tốt lắm vì chỉ có thể đọc hiểu còn nghe lại kém. Anh gặp khó khăn khi phản hồi lại bài văn, thơ cho con. 

Trong trường hợp muốn vào đại học, học sinh nộp kết quả học tập của mình theo yêu cầu của trường. Ngoài ra, các em cũng có thể đóng gói bài tập, bài kiểm tra rồi gửi sang trường mình học homeschooling để họ quản lý. Gia đình sẽ email nhờ trường này gửi tài liệu về việc học của con mình cho trường đại học.

Sau thời gian homeschooling, anh Kiên nhận thấy con trai có sự trung thực, chủ động và tiếng Anh tốt hơn. Chi phí cho việc học ở nhà của Khang vào khoảng 1.000 USD một năm. Anh Kiên cho rằng hạn chế của homeschooling là trẻ ít có mối quan hệ bạn bè. Để khắc phục, anh thường cho con tham gia hội chợ, trại hè hay hoạt động ngoại khóa.

"Đến lớp có nhiều mối quan hệ nhưng môi trường nhiều áp lực sẽ khiến trẻ co lại, ngược lại môi trường thoải mái sẽ giúp chúng cởi mở hơn. Tôi không coi trọng có nhiều mối quan hệ mà quan trọng mối quan hệ chất lượng", anh Kiên nói.

Gia đình anh Kiên định sau này sẽ cho Khang đi du học. Đối với các phụ huynh muốn con theo homeschooling, anh Kiên khuyên họ nên tập hợp thành nhóm tầm 5 người để tiết kiệm chi phí và có môi trường cho các con. Thay vì phải mua 5 bộ giáo trình thì nhóm chỉ cần chung nhau một bộ. Các bố, mẹ có thể luân phiên nhau hướng dẫn con học. Homeschooling có thể bắt đầu từ mẫu giáo.

Chủ đề tự học ở nhà nhận được sự quan tâm của các bậc cha, mẹ trên các diễn đàn mạng. Một số người ủng hộ vì cho rằng chỉ có thế mới tẩy chay được kiểu lớp một cũng phải học thêm, đóng đủ các loại tiền, và tránh được bao lực học đường. Số khác xem đây là cách học mới và chỉ những gia đình có điều kiện, am hiểu chương trình giáo dục các nước mới quyết định cho con theo. Nhiều người nhận xét những bố, mẹ để con học ở nhà rất "dũng cảm" và có tư duy hiện đại.

Tuy nhiên, không ít bình luận phản đối vì trẻ bị mất quyền được vui chơi cùng bạn bè khi tới trường, con sống trong môi trường ít bạn, không va chạm với thực tế. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết mô hình homeschooling có từ lâu ở châu Âu nhưng không được phát triển mạnh ở khắp nơi mà ngày một teo lại. Theo quan điểm của bà, homeschooling chưa thực sự phù hợp với Việt Nam. Sự chọn lựa kiểu này cho thấy việc khủng hoảng lòng tin trầm trọng trong lĩnh vực giáo dục. Để thực hiện homeschooling, cha mẹ cần có những đầu tư rất đặc biệt cho trẻ nhỏ.

Trẻ theo homeschooling không có bạn học chung. Đứa trẻ học liên tục với cường độ quá cao sẽ khiến bé nhanh mệt mỏi và chán nản. Chuyên gia giáo dục cho rằng bằng cấp không phải thứ quan trọng nhất. Trường học tạo điều kiện cho trẻ phát triển rất nhiều kỹ năng. Hơn nữa, khả năng sống độc lập của trẻ cũng sẽ được bồi dưỡng, trau dồi trong môi trường lớp học. Đó là chưa kể những kỷ niệm, niềm vui, bí mật mà chỉ riêng trẻ biết và chia sẻ với nhau. Hoàn cảnh các gia đình khác cũng là những bài học cuộc sống thiết thực mà trường học tạo ra cho trẻ.

"Chắc chắn các em nhỏ sẽ có cảm giác lạc lõng và cô đơn khi bị cư xử một cách quá bất bình thường giữa chính quê hương mình. Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc các em yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, trẻ homeschooling sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý", bà Hương nói.

Bình Minh (Ngoisao.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem