Trước đó, tháng 9.2016, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Bộ NNPTNT xin điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Lý do được UBND tỉnh này đưa ra là do các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau lên đến hơn 1.000ha. Vì thế, Bình Thuận đề nghị Bộ NNPTNT xem xét cho giảm 1.060ha ở các vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển trong tổng 12.500ha của khu bảo tồn biển này, nhằm nhường lại diện tích cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân.
Trả lời về đề xuất này, Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Diện tích 12.500ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm. Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến 1.060ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.
Theo công văn của Bộ NNPTNT, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, thành phần liên quan đến dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân được UBND tỉnh Bình Thuận gửi đến Bộ NNPTNT không đề cập đến tác động của các dự án này. Trong khi việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Cũng theo Bộ NNPTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 742 (ngày 26.5.2010) phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2015, ít nhất có 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn và 30% trong số đó được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay Bộ NNPTNT và các địa phương chỉ mới thực hiện được khoảng 0,16% mục tiêu đó. “Do đó, việc điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định” - công văn của Bộ NNPTNT nêu rõ.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô và thảm cỏ biển). I.T.
Với những căn cứ nêu trên, Bộ NNPTNT đã khẳng định: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ TNMT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau. “Nếu kết quả tính toán có tác động tới Hòn Cau, Bộ NNPTNT đề nghị điều chỉnh phạm vi và quy mô của dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Vĩnh Tân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau” - Bộ NNPTNT kết luận.
Theo Bộ NNPTNT, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô và thảm cỏ biển), có giá trị đa dạng sinh học cao. Đây là nơi sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng (các loài cá, sao biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm hùm…).
Ngoài việc bị xin giảm diện tích, Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn khi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã trình đề xuất xin đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải sau nạo vét hàng hải xuống vùng biển chỉ cách vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau có 500m.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.