Bộ NNPTNT chỉ đạo truy quét các điểm nóng phá rừng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu

Khương Lực Thứ năm, ngày 24/12/2020 12:03 PM (GMT+7)
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT chỉ đạo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) phối hợp cùng kiểm lâm địa phương tổ chức đợt truy quét những điểm nóng về phá rừng, tập trung ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Tính đến 30/11, cả nước có hơn 2.500 vụ phá rừng trái pháp luật, tăng 1.005 vụ so với cùng kỳ 2019.
Bình luận 0

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến 30/11/2020, cả nước đã phát hiện 9.637 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 402 vụ (tương ứng giảm 4%) so với cùng kỳ năm 2019; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.469 ha (trong đó cháy rừng 645 ha, phá rừng 824 ha) giảm 1.191 ha (tương ứng giảm 45%) so với cùng kỳ 2019.

Truy quét những điểm nóng phá rừng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh - cho biết: Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 583 vụ phá rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, địa phương mới xác định được đối tượng vi phạm 305 vụ việc. Trong ảnh là một cây thông lớn có đường kính khoảng 2 người ôm bị cưa hạ. Ảnh: Văn Long

Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 8.972 vụ, đạt 93%; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 8.679 vụ, xử lý hình sự 293 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách là 80,2 tỷ đồng.

Cháy rừng giảm, phá rừng trái pháp luật tăng

Trong khi số vụ cháy rừng và diện tích rừng thiệt hại do cháy giảm mạnh thì hành vi phá rừng, vận chuyển, tàng trữ, mua bán chế biến lâm sản trái pháp luật lại có sự gia tăng mạnh. Đến 30/11/2020, đã xảy ra 179 vụ cháy rừng, giảm 92 vụ (giảm 35%) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thiệt hại do cháy là 645 ha, giảm 1.331 ha (giảm 68%) so với cùng kỳ năm 2019.

Khi có cháy rừng xảy ra, Cục Kiểm lâm cùng các địa phương đã tổ chức huy động hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy gồm các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, chủ rừng và người dân tại địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước có 2.502 vụ phá rừng trái pháp luật, tăng 1.005 vụ so với cùng kỳ 2019. Diện tích rừng bị phá là 824 ha. Các hành vi phá rừng chủ yếu là lấy đất sản xuất nương rẫy, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn 132 vụ/32 ha; Bắc Kạn 147 vụ/43 ha; Sơn La 322 vụ/33 ha; Điên Biên 117 vụ/23ha; Thừa Thiên Huế 131 vụ/21 ha; Quảng Nam 132 vụ/87 ha; Đắc Nông 392 vụ/102 ha; Lâm Đồng 192 vụ/35 ha.

Truy quét những điểm nóng phá rừng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu - Ảnh 2.

Nhiều cây thông ở Lâm Đồng có đường kính trên 50cm bị cưa hạ nằm rải rác trên đường đi. Ảnh: Văn Long

Cùng với đó, có 4.036 vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật, tăng 824 vụ so với cùng kỳ năm 2019; tịch thu 9.162 m3 gỗ các loại (8.727 m3 gỗ thông thường; 435 m3 gỗ nguy cấp, quý, hiếm - bao gồm cả gỗ thuộc các phụ lục của CITES).

Về hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật, có 1.005 vụ, tăng 34 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Một số tỉnh có số vụ khai thác trái phép được phát hiện nhiều như: Hà Giang 47 vụ; Bắc Kạn: 49 vụ; Điện Biên 34 vụ; Thanh Hóa 57 vụ; Quảng Nam 48 vụ; Phú Yên 39 vụ; Bình Thuận 66 vụ; Đắc Nông 72 vụ; Gia Lai 39 vụ; Kom Tum 63 vụ; Lâm Đồng 113 vụ.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã có 112 vụ, giảm 78 vụ so với cùng kỳ năm 2019. 

Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, các vi phạm được dư luận quan tâm trong năm 2020 vẫn tập trung hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Điển hình là tình trạng khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các huyện Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Glei, tỉnh Kon Tum vào tháng 4/2020.

Tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật tại huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào tháng 5/2020. Tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 10/2020. Tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2020...

Các vụ việc trên được Cục Kiểm lâm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Mở đợt cao điểm truy quét những điểm nóng phá rừng

Trước sự gia tăng các vụ phá rừng trái pháp luật, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT chỉ đạo Cục Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) phối hợp cùng kiểm lâm địa phương tổ chức đợt truy quét những điểm nóng về phá rừng, tập trung ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.

"Tôi gợi ý các cơ quan kiểm lâm vùng tham gia cùng với các cơ quan kiểm lâm ở địa phương để làm. Dứt khoát với một tinh thần có kế hoạch, có phối hợp và có trách nhiệm. Địa bàn nào tự làm được hoan nghênh, nhưng nếu xảy ra phá rừng trái pháp luật thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm" - ông Tuấn nói.

Khi nhắc kiểm lâm trong 38 năm qua, từ khi ra đời và phát triển, trong tiềm thức là những người bảo vệ rừng, những người thừa hành pháp luật. Nhưng gần đây, Kiểm lâm càng vinh dự hơn, nói đến lâm nghiệp là nói đến kiểm lâm vì chúng ta làm tất cả những nhiệm vụ về lâm nghiệp từ bảo vệ, phát triển rừng và phát triển sản xuất.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT

Trong năm 2021, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu toàn ngành lâm nghiệp tiếp tục giảm 10% số vụ vi phạm và giảm 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.

Cùng với đó, Thử trưởng Thường trực Hà Công Tuấn yêu cầu triển khai ngay đợt thanh tra trên diện rộng thực hiện các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngày 7/12, Bộ NNPTNT đã gửi công văn số 8509/BNN-TTr đến UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật hoang dã. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, lực lượng chức năng đã lắp đặt camera và các hộ kinh doanh tại Trạm Dừng chân huyện Thạnh Hoá (hay còn gọi là Chợ nông sản Thạnh Hóa) đã ký cam kết không mua, bán động vật hoang dã trái với quy định của Nhà nước.

"Hàng tuần có 2 đoàn kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi thì nó đỡ hơn, nhưng tảng băng chìm vẫn còn nằm ở đó" - ông Thiện nói.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, việc kinh doanh, mua bán, giết mổ, tàng trữ, tiêu thụ động vật rừng, động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm thời gian qua đã được các ngành, địa phương quan tâm và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả. 

Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh (nhất là tại Trạm dừng chân huyện Thạnh Hóa, tuyến Quốc lộ 1, tuyến N2…). Tình trạng này, không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do nhiều loài động vật hoang dã mang mầm bệnh có thể lây lan sang người.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem