Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp chống bão khẩn sáng 19.8.
Bão đã đi qua đảo Bạch Long Vỹ
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông báo: “Chiều qua (18.8), Thủ tướng Chính phủ đã cử 3 đoàn công tác đi đến các địa phương để tham gia đôn đốc chỉ đạo phòng chống bão, mỗi đoàn có một Phó Thủ tướng làm trưởng đoàn”.
Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo: “Bão đã mạnh cấp 9 và đang di chuyển theo hướng Tây, hoàn lưu bão lệch Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 10 giờ sáng ngày 19.8, tâm bão ở ngay trên vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình, vị trí khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13, báo khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên khi vào bờ.
Dự báo đến 16 giờ ngày 19.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và phía Bắc Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-12.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, phía Bắc Thanh Hóa tiếp tục có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-13. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
“Nước dâng cao nhất tập trung ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng, hiện nay đang dâng cao 2 mét, theo tính toán nước dâng cao nhất đạt 3,8 mét nếu khu vực này nước dâng lên 4 mét, chúng tôi sẽ đưa ra phương án ngập lụt”, đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng báo cáo tại cuộc họp.
Bắc Thanh Hóa cần phải di dân ngay lập tức
Đại diện Bộ Tư lệnh biên phòng cho biết, Ninh Bình có 3 đê lấn biển sau khi đi kiểm tra thấy khu vực đê Bình Minh 3 không an toàn, còn 367 khẩu trong tuyến đê này, địa phương đang cố gắng di dân trước 10 giờ sáng nay. Khu vực Thái Bình, độ an toàn toàn bộ dân khu vực đê 2 không an toàn, dự kiến 8 giờ sáng nay sẽ di dân xong. Quảng Ninh đã di dời dân ở lồng bè xong trong đầu giờ sáng nay.
Đại diện Văn Phòng Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Bộ Quốc phòng đã huy động trên 183.400 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó tại các địa phương, 4 máy bay trực thăng, 107 tàu, nhiều ca nô, xe ô tô, xe lội nước để ứng cứu. Hiện nay trên đảo Vân Đồn, Cô Tô vẫn còn hàng trăm khách, và đã bố trí chỗ nghỉ cho khách du lịch. Quảng Ninh đã huy động các doanh nghiệp vận tải chuẩn bị sẵn máy xúc máy ủi để sẵn sàn chống bão. Bây giờ lo nhất là các tỉnh miền núi, bởi ở khu vực này lượng mưa sẽ rất cao, trước đó nhiều ngày đã mưa lớn, nên nguy cơ sạt lở đất rất lớn”.
Ông Trần Quang Hoài – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Hiện nay tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa quyết định di dân vì vẫn đợi thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tôi nghĩ rằng dân tại các chòi, lồng bè thủy sản ở vùng phía bắc Thanh Hóa cần phải di dân ngay, nếu không di dân kịp sẽ rất nguy hiểm”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cần tập trung lực lượng cứu hộ ở những địa phương trọng điểm. Bây giờ lo lắng nhất là khu vực phía bắc Thanh Hóa, cần tổng rà soát lại các hộ những nơi di trú tạm bợ, tiếp tục di chuyển đến nơi an toàn hơn. Vấn đề sản xuất nông nghiệp, các trạm bơm phải sẵn sàng bơm thoát nước đảm bảo lúa mùa sinh trưởng tốt nhất. Vấn đề an toàn người dân vùng miền núi từ Nghệ An trở ra, tiếp tục khẩn trương di dời những hộ ở phạm vi 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.