Bộ Quốc phòng huy động nửa triệu người ứng phó bão Bebinca

Thứ năm, ngày 16/08/2018 07:21 AM (GMT+7)
35 tàu, hơn 140 xe đặc chủng sẽ xuống các địa bàn giúp dân ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ vào các tỉnh thành từ Hải Phòng đến Nghệ An. 
Bình luận 0

Chiều 15.8, biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo và hướng dẫn hơn 36.300 tàu thuyền (137.700 người); 11.300 lồng bè, lều, chòi canh (14.700 người) chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm của bão Bebinca. 

"Không còn phương tiện nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm", Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết. 

Theo Ủy ban này, Bộ Quốc phòng đã huy động 54.700 bộ đội, 362.000 dân quân, và 111.000 dự bị động viên; 2.700 phương tiện (trong đó có 35 tàu, 1.570 ôtô, 148 xe đặc chủng) sẵn sàng ứng phó với bão.

Theo bản tin lúc 23h ngày 15.8 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tâm bão Bebinca đang ở phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 90 km/giờ, cấp 9, giật tăng hai cấp.

img

Bộ đội giúp dân ngăn nước sông Nhuệ tràn bờ ở Hà Nội năm 2013. Ảnh: Bá Đô.

Giữ hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10 km mỗi giờ, sớm mai bão đi vào vịnh Bắc Bộ và tối cùng ngày ở trên đảo Bạch Long Vỹ, cách Móng Cái 170 km, cách Thái Bình 220 km, cách Vinh 330 km. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.

Từ sớm mai 16/8, vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên từ cấp 6 đến 9. Huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô từ trưa và chiều mai gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động rất mạnh.

Bão sau đó theo hướng Tây, tốc độ 10 km mỗi giờ, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An sớm 17/8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 17.8, tâm áp thấp nhiệt đới ở nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Nhận định bão có phạm vi ảnh hưởng rộng, khu vực chịu ảnh hưởng có các hoạt động kinh tế lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng vừa trải qua các đợt mưa lũ kéo dài, trong công điện chiều 15/8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ tịch tỉnh quyết định việc cấm biển. 

Địa phương cần tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, trú tránh ven biển, trong sông và nhất là quanh các đảo; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.

Đối với khu vực đất liền, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ kiểm tra những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân chủ động phòng tránh. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng nếu nước không tự tiêu phải bơm cưỡng bức chống úng ngập đô thị, dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Các hồ thủy lợi, thủy điện xung yếu phải được điều tiết hạ thấp mực nước và bố trí lực lượng thường trực. 

Viết Tuân (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem