Bỏ rạp hát Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng: Người Đà Lạt nói gì?

Văn Long Thứ hai, ngày 18/03/2019 08:02 AM (GMT+7)
Người dân đa phần đều muốn giữ lại một chút gì đó của Đà Lạt. Để khi nhắc đến các địa điểm này, du khách nghĩ ngay đến một Đà Lạt với lịch sử hình thành và phát triển hơn 1 thế kỷ.
Bình luận 0

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo đó, rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây dựng khu giải trí đa chức năng, dinh Tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối để xây dựng khu khách sạn cao tầng cao cấp.

Xung quanh vấn đề gây nhiều tranh cãi, phản đối này, PV Dân Việt đã gặp và trò chuyện với những người dân TP.Đà Lạt. Những người đã cao tuổi gắn bó, làm việc tại khu Hòa Bình vài chục năm.

Bà Kim Oanh (58 tuổi, người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt) tiếc nuối chia sẻ: “Nếu lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt đề án thì sẽ thực hiện sớm hay muộn thôi. Theo tôi, chúng ta không nên phá bỏ kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của TP.Đà Lạt hàng thế kỷ qua. Chúng ta hãy làm như Quảng Nam, giữ lấy một phố cổ Hội An gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Làm sao để khi nhắc đến Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đến những địa danh của thành phố”.

img

Khu Hòa Bình - trung tâm TP.Đà Lạt sẽ trở thành khu giải trí đa năng.

Bà Oanh còn cho biết, trước kia Đà Lạt có đến 4 rạp hát, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ người dân địa phương. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn duy nhất một cái, đây được xem là cái hồn, là trung tâm của thành phố. Vì vậy, chính quyền địa phương cần nâng cấp, tôn tạo chứ không phải phá hủy.

Cùng ý kiến với bà Oanh, ông Nguyễn Ngữ (69 tuổi, chủ một cửa hàng tại khu Hòa Bình hơn 30 năm) nhận định: “Nếu khách du lịch muốn đến khu Hòa Bình (sắp tới là khu giải trí đa năng) sẽ phải đi qua cầu Ông Đạo. Chính vì thế cầu này sẽ tạo thành một nút thắt cổ chai, tắc đường, kẹt xe là khó tránh khỏi. Đường tại Đà Lạt do người Pháp thiết kế và xây dựng, thời điểm đó dân cư còn rất ít nên đường trong nội thành cũng như đèo rất nhỏ, vì vậy việc kẹt xe sẽ xảy ra thường xuyên nếu quy hoạnh không phù hợp”.

img

Dinh Tỉnh trưởng, công trình được xây dựng vào khoảng năm 1910 sẽ bị di dời và thay vào đó là hệ thống khách sạn cao tầng cao cấp.

Ông Ngữ cũng cho rằng, việc xây dựng các khu theo quy hoạch cũng tạo điều kiện để Đà Lạt phát triển ngang bằng với các địa phương khác. Bên cạnh đó, rạp hát Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng cũng đã xuống cấp nên nếu quy hoạch hợp lý sẽ tạo ra bước đột phá.

Tuy nhiên, ông Ngữ vẫn tỏ ra không ưng ý với bản quy hoạch này. Bởi theo ông, nếu muốn giữ lại các địa danh mà kinh tế, du lịch vẫn phát triển thì tại sao địa phương không quy hoạch ra vùng ngoại ô thành phố. Điều này vừa tạo sự thông thoáng, giúp cho các vùng phụ cận phát triển, tránh kẹt xe cũng như các dịch vụ du lịch quá tải như trong thời gian vừa qua mỗi dịp lễ tết.

img

Người dân Đà Lạt muốn giữ lại cái hồn của TP.Đà Lạt, là những địa điểm bị "khai tử" nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Theo khảo sát của PV, đa phần ý kiến của người dân địa phương là không muốn phá bỏ kiến trúc của hai địa điểm trên, đặc biệt là rạp hát Hòa Bình. Đơn giản vì những người con của TP.Đà Lạt muốn giữ lại những gì đã gắn với lịch sử, với thời gian hình thành và phát triển của địa phương. Có những người được sinh ra, lớn lên tại đây mới hiểu được sự quý giá của những gì gắn liền với tuổi thơ và mong muốn địa phương có những quyết định hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem