Có nên gộp cơ quan thuế vớ BHXH? (ảnh: IT)
Nhiều ưu điểm khi gộp thuế với BHXH
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vấn đề gộp Thuế với BHXH đã được bàn lâu rồi chứ không phải bây giờ.
Ông Đinh Trọng Thịnh phân tích: Thực tế hai khoản thu này về mặt nguyên tắc, mục đích là tương đối khác nhau. Thuế liên quan tới khoản thu nhập của cá nhân và doanh nghiệp phải đóng cho ngân sách nhà nước theo chính sách thuế và đây là khoản thu có tính pháp lý rất cao và cũng là nguồn thu chính cho ngân sách Nhà nước.
Còn khoản thu BHXH, mục đích của nó là nhằm đảm bảo cho lao động đã có thời gian cống hiến và công tác trong doanh nghiệp và nền kinh tế có được một khoản dự phòng và được trả theo tỷ lệ % sau khi đã hoàn thành thời gian lao động ở độ tuổi quy định. Đây là khoản người lao động bỏ ra trước để có một khoản quỹ từ đó giúp họ có lương hưu, đảm bảo duy trì mức sống ở tuổi già.“Một bên thu vào ngân sách Nhà nước còn một bên là thu gom lại, đầu tư kinh doanh để tăng lợi ích của quỹ đó nên 2 khoản thu không đồng nhất, nếu gộp cũng có cái dở.
Tuy nhiên, ở VN hiện nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lại thường xuyên nợ, chây ỳ, trốn đóng BHXH làm cho Quỹ BHXH bị ảnh hưởng nói riêng và chính sách an sinh xã hội lâu dài nói chung”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, thực tế, người lao động khi làm việc đã đóng BHXH nhưng hiện nay vẫn là doanh nghiệp đóng thay. Theo quy định đóng BHXH, người sử dụng lao động đóng 17,5%, người lao động 8%. Còn với BHTN, người lao động 1% và người sử dụng lao động đóng 1%. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam người sử dụng lao động vẫn là người đứng ra trích đóng quỹ BHXH cũng như BHTN trước khi trả lương cho người lao động. Cái chính là các doanh nghiệp không tự giác, chây ỳ hoặc trốn đóng BHXH. Trong khi, vấn đề quản lý, sử dụng như thế nào Quỹ BHXH để sinh lời, chống lại sự bào mòn lạm phát thì cơ quan BHXH cũng làm chưa tốt.
Do đó, nếu gộp thu thuế và thu BHXH lại làm một sẽ được lợi rất lớn bởi khi doanh nghiệp nộp thuế phải nộp BHXH và cơ quan thuế cũng dễ kiểm soát khoản thu BHXH hơn so với cơ quan BHXH.
“ Trong trường hợp gộp lại việc thu BHXH lại thì ngành BHXH sẽ giảm đi một lượng cán bộ hoặc cần sát nhập với cơ quan thuế, từ đó vừa giảm được đội ngũ biên chế, vừa giảm bớt vấn đề có liên quan tới lĩnh vực BHXH như kiểm tra, kiểm soát, giảm bớt khối lượng công việc… Nhất là khi ngành thuế đang thực hiện đồng bộ kê khai thuế trên mạng thì đội ngũ biên chế cũng sẽ ngày càng giảm đi”, ông Thịnh phân tích.
Mặt khác, ông Thịnh cũng cho rằng, nhiều người lao động hiện nay được hưởng mức lương rất cao trong các doanh nghiệp nhưng lại có BHXH rất thấp do doanh nghiệp tính chưa đúng, chưa đủ với mức lương và đóng góp của họ nên khi về hưu sẽ có mức lương hưu rất thấp. Do đó, gộp thu BHXH với thuế cũng sẽ kiểm soát được các chiêu trò “ăn bớt” tiền đóng BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp.
Ông Thịnh cho rằng, ngành BHXH nhìn chung chỉ có 2 nhiệm vụ chính là thu BHXN và quản lý quỹ sao cho sinh lời và chi trả BHXH. Do đó, với điều kiện hiện nay như Việt Nam có thể sáp nhập bộ phận thu BHXH với đơn vị thuế còn bộ phận còn lại là Quản lý quỹ BHXH, chi trả BHXH chỉ cần thành một đơn vị nhỏ trực thuộc Bộ Tài chính là đủ.
Bộ Tài chính đề xuất gộp thu BHXH với thu thuế từ năm 2020 (ảnh: IT)
Dự kiến sáp nhập vào năm 2020
Trước đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý. Theo dự thảo này, từ năm 2020, cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu các khoản BHXH bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng trây ỳ, trốn đóng BHXH và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay.
Nếu đề xuất trên được thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá, có thể giảm số lượng tờ khai các đơn vị phai nộp cho cơ quan quản lý. Cụ thể, thay vì phải nộp 2 tờ khai thuế và BHXH cho 2 cơ quan khác nhau, nay chỉ cần nộp 1 tờ khai cho 2 khoản phải nộp.
Đồng thời, với hợp nhất thu thuế và BHXH, mã số thuế của cá nhân có thể dùng làm mã quản lý BHXH, số sổ BHXH, số thẻ bảo hiểm y tế. Điều này có thể giúp đơn giản hóa trong công tác quản lý cũng như khai, nộp thuế và BHXH.
Cùng với đó, do chỉ còn 1 đầu mối thu cả 2 khoản tiền, nên cũng chỉ cần một đơn vị thực hiện hoạt động thanh kiểm tra đơn vị sử dụng lao động về thực hiện chính sách thuế và BHXH.
Cũng theo Bộ Tài chính, nếu thu thuế và BHXH về một mối, sẽ cần thời gian để ngành thuế cập nhật nghiệp vụ BHXH, và sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của 2 cơ quan và bố trí lại số lượng lao động dôi dư.
Phương án thứ 2 được Bộ Tài chính đưa ra là vẫn giữ quy định hiện hành, tức cơ quan thuế và BHXH vẫn độc lập trong thu các khoản tiền thuế và tiền BHXH. Cơ quan thuế và BHXH phối hợp theo quy chế đã ký giữa 2 đơn vị. Tuy nhiên, dù quy chế phối hợp đã có kết quả nhất định, nhưng chưa đạt mong muốn trong việc thu thuế và BHXH. Điều này do giữa thu thuế và BHXH còn có nhiều sự khác biệt về thời gian khai, nộp, căn cứ thu nhập tính thuế và mức chi trả lương để tính đóng BHXH.
Do đó, căn cứ trên 2 phương án này, Bộ Tài chính đề xuất chọn giải pháp để cơ quan thuế thu cả thuế và các khoản đóng BHXH bắt buộc của chủ sử dụng lao động. Nếu phương án này của Bộ Tài chính được thông qua, việc hợp nhất cơ quan thuế và BHXH sẽ được áp dụng từ năm 2020.
Theo ông Mai Đức Chính - Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia) cho biết, lâu nay doanh nghiệp luôn có 2 sổ lương. Một sổ lương doanh nghiệp kê khai đóng BHXH rất thấp, chủ yếu tương đương mức lương tối thiểu vùng. Một sổ lương khác doanh nghiệp thực trả cho người lao động cao hơn rất nhiều, thông qua nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau.
Theo ông Chính, nhiều doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở tính đóng BHXH. Do đó, nếu tiến tới liên thông cơ quan thuế và BHXH, để thu BHXH theo tiền lương doanh nghiệp kê khai thuế và căn cứ vào quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH đúng với mức lượng người lao động được hưởng, từ đó chấp dứt câu chuyện “2 sổ lương” như hiện nay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.