Đang khỏe đã… hưu
Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Có hiện tượng doanh nghiệp gia tăng sa thải người lao động trên 35 tuổi. Qua khảo sát 64 doanh nghiệp, có hiện tượng người lao động chỉ làm việc tại doanh nghiệp 6-7 năm rồi nghỉ. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn, thường lao động chỉ làm đến 31-32 tuổi rồi nghỉ và ít người làm đến 35 tuổi.
Lao động trẻ khỏe nhưng vẫn có nguy cơ bị sa thải sớm. Ảnh minh họa, chụp tại doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Viết Thành
Việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội. Do đó, Ban thực hiện chính sách BHXH cần có báo cáo phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn”.
Ông Phạm Lương Sơn
|
Theo ông Quảng, việc giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội thời gian qua cũng cho thấy tình trạng này. Lý do các doanh nghiệp cho các lao động này nghỉ việc sớm là những lao động làm việc trực tiếp ở khu vực điều kiện không tốt, cường độ cao. Sau 35 tuổi, nhiều lao động có sức khỏe kém, khả năng ứng dụng khoa học kém, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, chi phí BHXH của các lao động làm việc lâu năm lại cao, do đó nhiều doanh nghiệp có chính sách, biện pháp để đẩy người lao động ra khỏi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đã thỏa thuận chi cho người lao động một khoản tiền kha khá để lao động thôi việc.
“Về lâu dài, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, chính sách an sinh và chính sách giải quyết việc làm của chúng ta. Người lao động thôi việc được nhận trợ cấp một lần và rất khó xin việc trở lại ở các doanh nghiệp, công ty có quan hệ lao động. Hầu hết họ chuyển sang làm lao động tự do. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể sẽ không tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế. Đồng thời chúng ta cũng lãng phí một nguồn lao động lớn khi các lao động này đều đang trong tuổi lao động sung mãn nhất. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60, nữ là 55, thậm chí chúng ta đang tính đến nâng tuổi nghỉ hưu 3-5 năm nữa. Vậy mà hiện nay lại có không ít lao động “nghỉ hưu” ở tuổi 35-40. Điều này thật lãng phí” - ông Quảng nhận định.
Hồi tháng 5.2017, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã công bố nghiên cứu cho thấy, có tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là lao động nữ và lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nghỉ việc vì sức ép năng suất, định mức lao động cao, cường độ lao động căng thẳng, sức khỏe giảm sút... Trong khi đó, họ có thu nhập không cao hoặc bấp bênh, không có thời gian lo cho gia đình, chăm lo cho con cái.
Còn ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) cũng cho rằng, có tình trạng lao động nghỉ trên 35 tuổi đã nghỉ việc, tuy nhiên chưa thấy có trường hợp nào lao động bị doanh nghiệp ép nghỉ việc sớm. “Một số doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc sớm là vì mục đích lợi nhuận, doanh nghiệp muốn thải loại người lao động cao tuổi, năng suất lao động không đảm bảo để tiếp nhận những lao động mới nhanh nhẹn hơn. Chủ sở hữu lao động vì mục đích lợi nhuận nên đã thỏa thuận sẽ trợ cấp cho người lao động thêm một khoản nào đó để họ nghỉ việc” - ông Thọ nói.
Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp
Theo ông Quảng, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu chính sách để chấm dứt tình trạng cho “về hưu non” ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. Cụ thể như có cơ chế ràng buộc để buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động sau 35 tuổi; đồng thời tuyên truyền để tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tăng cường giám sát để xử lý các doanh nghiệp thải loại lao động trái phép. “Chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường linh hoạt, tự nguyện nên không thể ép buộc doanh nghiệp giữ lao động, do đó sẽ phải tăng cường các chính sách khuyến khích doanh nghiệp” – ông Quảng chia sẻ.
Để giải quyết việc này, ông Thọ cho rằng cần những chính sách vĩ mô của Nhà nước. Ví dụ như hiện tại, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang có nội dung chi trả cho việc hỗ trợ đào tạo người lao động chuyển nghề, nhằm khắc phục tình trạng người lao động bị đào thải do không thích ứng được với những cải tiến về quy trình làm việc mới.
Tuy nhiên, quỹ vẫn chưa có cơ hội để chi trả khoản này vì nhiều lý do. Cụ thể như điều kiện để doanh nghiệp được hưởng các khoản hỗ trợ đó vẫn còn khá ngặt nghèo, Nhà nước chưa có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ lại lao động lớn tuổi mà doanh nghiệp đang dự định đào thải. Do đó, muốn doanh nghiệp giữ lao động cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi…
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: Việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là tình trạng nhận BHXH 1 lần, gia tăng nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.