“Bộ TN-MT hoàn toàn chịu trách nhiệm về Formosa”

Tất Định Thứ ba, ngày 15/11/2016 16:36 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết. Riêng Formosa, Bộ Tài nguyên - Môi trường hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trả lời đại biểu trong phiên chất vấn chiều 15.11 

Chiều 15.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà các vấn đề về: ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, giải quyết sự cố Formosa, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra ô nhiễm môi trường, kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi, cử tri Quảng Bình băn khoăn với sự cố Formosa không chỉ trong hiện tại và trong tương lai. Với trách nhiệm của mình, bộ trưởng cho biết, cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa sắp tới sẽ không gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho nhân dân?

Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc đền bù sau sự cố môi trường Formosa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết. Riêng Formosa, Bộ Tài nguyên - Môi trường hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sau khi chỉ ra nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm  xác định 3 nhóm: nước thải, khí thải và chất thải rắn. Bộ Tài nguyên - Môi trường lập hội đồng liên ngành bao gồm các nhà khoa học trong cả nước để xem xét, đánh giá kế hoạch, yêu cầu doanh nghiệp phải có lộ trình xử lý hợp lý.

Trong quá trình Formosa khắc phục sự cố, Bộ TN-MT có một ban giám sát, theo dõi 24/24 về nước thải, khí thải, chất thải rắn của Formosa. Bộ cũng yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện xả thải, nếu Việt Nam chưa có thì theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Chúng tôi yêu cầu các công đoạn sản xuất đều phải được xem xét, xử lý. Nếu xảy ra sự cố phải có phương án, có hồ để ứng phó sự cố. Việc theo dõi được cập nhật và gửi thẳng số liệu về Sở TN-MT Hà Tĩnh để chuyển về Bộ.

Nước trong công nghệ dập cốc được theo dõi và gắn thiết bị theo dõi nghiêm ngặt như ở Hàn Quốc. Nước thải qua hồ xử lý sinh học, và hồ sinh học này chúng tôi yêu cầu phải thả cá để đảm bảo nước thải ra môi trường phải an toàn", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng TN-MT cho biết, phía Formosa đã cam kết đảm bảo duy trì lâu dài bền vững không để xảy ra sự cố. Bộ cũng xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển, khí thải từ các địa phương. Chất thải rắn và bùn thải nguy hại, nếu Formosa chưa ký hợp đồng với các doanh nghiệp để xử lý thì phải để lưu trong kho.

“Chúng tôi cũng làm việc với Hà Tĩnh để tìm hướng đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp. Đồng thời yêu cầu Formosa tìm hướng chuyển các chất thải này để nghiên cứu làm phụ gia xây dựng. Sẽ sớm xây dựng quy chế xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất phụ gia xây dựng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Hiện nay Formosa cũng mời nhiều chuyên gia, đơn vị tư vấn quốc tế để tham vấn dài hạn, để chuyển từ dập cốc ướt sang cốc khô. Với hệ thống xả thải thì cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14.000 để thời gian tới Formosa giảm ô nhiễm.

Về phương án đền bù sau sự cố Formosa, Bộ trưởng TN-MT cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT trả lời bằng văn bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem