Nhiều bé gái Ấn Độ bị giết hại vì các cặp vợ chồng không muốn sinh con gái.
Bộ trưởng Bộ phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, Maneka Gandhi nhấn mạnh, việc lựa chọn giới tính thai nhi đã cướp đi quyền sống của các bé gái tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới.
Dù luật pháp cấm việc xét nghiệm giới tính thai nhi song việc phá thai chọn lọc vẫn được thực hiện thường xuyên ở khắp Ấn Độ, dẫn đến sự suy giảm số lượng các bé gái so với các bé trai, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng.
"Mỗi ngày, có khoảng 2.000 bé gái bị giết hại khi vẫn còn là bào thai. Một số bé gái sơ sinh bị giết bằng cách lấy gối đè lên mặt cho nghẹt thở đến chết”, Reuters dẫn lời bà Maneka.
Điều tra dân số năm 2011 cho thấy mặc dù tỉ lệ nữ/nam về tổng thể ở Ấn Độ có cải thiện chút ít, nhưng số bé gái được sinh ra vẫn ít hơn nhiều so với bé trai, trong đó số các bé gái dưới sáu tuổi giảm liên tiếp trong vòng 5 thập kỷ.
Một nghiên cứu của tạp chí Y học The Lancet số tháng 5/2011 phát hiện ra rằng, có tới 12 triệu thai nhi giới tính nữ bị phá bỏ trong vòng 30 năm tại Ấn Độ, khiến tỷ lệ sinh theo giới tính giảm mạnh từ 962 bé gái/1000 bé trai (năm 1981) xuống còn 918/1000 (năm 2011).
Con gái bị xem là "của nợ" ở Ấn Độ.
Ấn Độ xem con trai như một thứ tài sản đáng giá, giúp giữ gìn tên họ của dòng tôc, làm trụ cột gia đình trong tương lai cũng như phụng dưỡng và thờ cúng cha mẹ, ông bà.
Ngược lại, con gái bị xem như một thứ “của nợ” khi cha mẹ sẽ phải lo tích trữ của hồi môn mà cô gái phải mang theo khi về nhà chồng nếu muốn được tôn trọng.
Ngoài ra, Ấn Độ vẫn rất khắt khe với vấn đề tình dục trước hôn nhân và những cô gái trót "ăn cơm trước kẻng" là nỗi sỉ nhục lớn đối với gia đình. Do đó, những gia đình sinh con gái luôn phải canh cách nỗi lo giữ gìn danh dự.
Bà Gandhi còn cho biết, chính phủ Ấn Độ đã triển khai chiến "Cứu các bé gái, dạy dỗ các cô gái" nhằm đảo ngược tỷ lệ mất cân bằng giới tính hồi đầu năm nay. Chiến dịch được triển khai mẫu ở 100 quận/huyện, nơi tỷ lệ nữ/nam chênh lệch lớn bằng cách tuyên truyền, siết chặt việc xét nghiệm giới tính thai nhi, phạt nặng những đối tượng vi phạm.
Tuy nhiên, chiến dịch này dẫn đến sự gia tăng các bé gái bị bỏ rơi trong trại trẻ mồ côi. Bà Gandhi cho hay, tình trạng "giết hại các bé gái lại bị chuyển sang bỏ rơi".
"Chiến dịch dẫn đến tình trạng hàng trăm bé gái bị bỏ rơi tại các trại trẻ mồ cô trong 100 quận/huyện. Ở Amritsar, trại trẻ mồ côi đón tới 89 bé gái trong tháng này. Ở Tamil Nadu cũng tương tự như vậy. Trong tất cả những quận/huyện triển khai chiến dịch, nhiều bé gái bị tống vào trại trẻ mồ côi do nhà nước điều hành", bà Gandhi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.