Cần huy động doanh nghiệp tham gia nghiên cứu giống
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn cho rằng, Đề án phát triển giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới. Đó là việc thích ứng với thị trường chưa cao, vẫn tập trung quá nhiều vào các giống lúa, trong khi rất nhiều giống khác như rau, khoai tây, hoa… vẫn phải đi nhập khẩu rất lớn.
"Việc kêu gọi, huy động doanh nghiệp chưa đạt như mong đợi. Việc hội nhập chưa thực sự chủ động tìm hiểu, đánh giá, phân tích nhu cầu, thế mạnh thị trường thế giới. Vai trò quản lý của Nhà nước và cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội chưa được coi trọng và trở thành nhân tố quyết định. Đầu tư công chưa đến tầm và chưa tạo được ra đột phá nhất là vào các mũi trọng điểm định hướng. Chưa tạo ra "quả đấm thép" trong công tác phát triển giống"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn từ nay đến 2030. Trong đó, đặt mục tiêu bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%, giống tiêu đạt khoảng 50%; tỷ lệ giống cây lâm nghiệp mới được công nhận đưa vào sản xuất đạt từ 70-80% trở lên; bảo đảm cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với thịt bò đạt 80%, lợn đạt 95% và gia cầm đạt 90%; bảo đảm chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng thủy sản…
Sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu theo ba trục sản phẩm phát triển gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng cao.…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, giờ thị trường thay đổi rất lớn, cứ khư khư ôm cơ cấu cũ, ôm lúa, ôm lợn là chết".
“Tôi lấy thí dụ, Ninh Thuận, Bình Thuận giờ phải hướng tới nền nông nghiệp sa mạc, đồng bằng sông Cửu Long gắn với nuôi trồng thủy sản nước mặn nước lợ, Tây Bắc phải theo hướng cây ăn quả, cây dược liệu chứ không phải là ngô nữa. Để thực hiện được mục tiêu này thì khâu giống luôn luôn phải đi trước một vài bước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới, trong đó tập trung xuyên suốt chung quanh ba trục kinh tế ngành lớn là lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp, tuy nhiên đề án mới cần phải được gắn chặt với yếu tố thị trường.
Để góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Đề án “Phát triển giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản giai đoạn 2021-2030”.
Trong giai đoạn 2010-2018, gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất; nhờ vậy, năng suất nhiều cây trồng, vật nuôi tăng vượt mục tiêu Đề án (15%). Năng suất sinh khối trong trồng rừng kinh tế tăng 50%. Trọng lượng lợn xuất chuồng tăng 32%; năng suất sữa tăng 200 - 300 kg/con/chu kỳ. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.