Nho Ninh Thuận vì sao mãi lận đận?
Sau bao năm “chung thủy” với cây nho - từng được ví như cây trồng “nữ hoàng” của tỉnh, vì nhiều lý do, nhiều hộ dân ở Ninh Thuận đã chuyển sang canh tác những cây trồng khác.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, năm 1998, Ninh Thuận có khoảng 2.300ha đất trồng nho. Đến năm 2010, diện tích nho chỉ còn 1.650ha, năm 2011 là 1.000ha, năm 2012 chỉ còn khoảng 758ha. Hiện tổng diện tích nho của toàn tỉnh là 1.220ha, tập trung chính ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, TP.Phan Rang - Tháp Chàm… Sản lượng nho hàng năm ước đạt 31.310 tấn, đem về doanh thu khoảng 830 tỷ đồng.
Vườn nho xanh trưởng thành 800 gốc thuộc giống NH.01-Hc tại xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Minh Khánh
"Đất của Ninh Thuận tuy phù hợp với cây nho, nhưng việc sử dụng tràn lan các loại phân bón vô cơ trong thời gian dài đã khiến cho nguồn đất bị bạc màu, cạn kiệt dinh dưỡng”.
GS - TS Phạm Tiến Dũng
|
Ông Trần Cao Tiên - Giám đốc HTX Bình Tiên (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, một vấn đề làm “đau đầu” nông dân trồng nho hiện nay là xuất hiện rất nhiều dịch hại trên nho như bệnh mốc sương, bệnh phấn trắng, thán thư, sâu xanh da láng, bọ trĩ, nhện đỏ… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng.
Bên cạnh đó, người nông dân không nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên khi có dịch bệnh, bà con lập tức tìm đến thuốc BVTV và phân bón hóa học để bảo vệ năng suất, khiến chất lượng trái nho cũng ảnh hưởng
Một nông dân trồng nho ở xã Xuân Hải bày tỏ: “Biết là dùng quá tay thuốc BVTV sẽ gây độc hại cho người tiêu dùng và môi trường, nhưng không dùng thuốc đồng nghĩa chấp nhận rủi ro, có khi mất trắng. Không diệt cỏ, trừ sâu bằng thuốc BVTV thì diệt trừ bằng gì? Trong khi nông nghiệp công nghệ cao chi phí đầu tư nhiều, lợi nhuận ban đầu không được bao nhiêu. Nông dân biết làm sao cho vừa lòng mọi người mới có thể sống được?”.
Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng chia sẻ: “Tôi đã đến thăm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp và thấy lo lắng khi nông dân cứ thấy sâu, thấy bệnh xuất hiện là phun thuốc, hết sức tùy tiện. Hậu quả, đất đai, môi sinh xấu đi, sâu bệnh tăng lên. Thấy thế, nông dân lại phun, tưới với cường độ và liều lượng, độc tính cao hơn trước. Trước mắt, cây trồng có vẻ tốt hơn nhưng môi trường, đất đai càng xấu hơn... Cứ như thế, ngành nông nghiệp, người nông dân Việt Nam đang lâm vào cái vòng luẩn quẩn càng phun càng "chết".
Gỡ nút thắt cho “nữ hoàng” nho Ninh Thuận
Ông Trần Cao Tiên chia sẻ, ai cũng thấy rằng, việc lạm dụng thuốc BVTV, hậu quả đã được báo trước. Đây là lý do cốt lõi khiến vị thế của cây nho Ninh Thuận chưa xứng tầm, xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cốt lõi thì ai cũng đã nhìn thấy, nhưng làm thế nào để hạn chế dùng thuốc BVTV là vấn đề rất nan giải.
“Công nghệ sinh học là lời đáp cho bài toán nâng vị thế cây nho một thời được mệnh danh “nữ hoàng”. Việc xây dựng các quy trình chăm sóc nho sử dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường, con người và vật nuôi là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra các sản phẩm nho đạt chất lượng cao an toàn cho sức khỏe, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, mở ra hướng đi mới nhiều tiềm năng” - ông Tiên khẳng định.
Ông Tiên cho biết, ông đã cùng Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ sinh học trong trong phòng trừ sâu bệnh trên nho xanh Ninh Thuận”. Đề tài triển khai trên 2.000m2 vườn nho xanh trưởng thành với 800 gốc thuộc giống NH.01-Hc tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, với các chế phẩm sinh học: Nấm xanh Metarhizium, hệ vi sinh kháng nấm (Trichoderma viride, Bacillus subtilis, Streptomyces murinus, Isaria javanicus), Hệ vi sinh vật hữu hiệu Emuniv, giấm gỗ thiên nhiên nhằm tìm ra quy trình công nghệ áp dụng chế phẩm sinh học phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây nho mà không phải sử dụng đến các loại hóa chất độc hại.
Sau gần 5 tháng triển khai đề tài (từ tháng 12/2017-5/2018), vườn nho không xuất hiện bọ dừa nâu, nhện đỏ, sâu xanh da láng, bọ phấn trong; khống chế tốt một số loại nấm bệnh phổ biến trên nho: Sương mai, phấn trắng, thán thư và gỉ sắt.
“Kết quả thật khả quan, việc thay thế hoàn toàn thuốc BVTV hóa học bằng chế phẩm sinh học đạt 80% so với vườn đối chứng. Quả giòn ngọt hơn, tuy nhiên số lượng quả trên cùng 1 chùm ít hơn, còn những quả bề mặt quả bị trầy xước, kém mượt do côn trùng (corri) cắn phá giai đoạn quả non. Xét trên tổng thể, có thể thấy việc áp dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh trên nho xanh là hoàn toàn có khả thi để nhân rộng diện tích và hướng đến sản xuất sản phẩm nho hữu cơ” - ông Tiên nói.
Về sản lượng và chi phí giữa canh tác hữu cơ với nông nghiệp thông thường trên cây nho Ninh Thuận, GS - TS Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Hữu cơ, người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong trong phòng trừ sâu bệnh trên nho xanh Ninh Thuận” cho rằng, kết quả thử nghiệm đạt 80% so với vườn đối chứng là thành công ngoài mong đợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.