Một độc giả băn khoăn: “Vừa qua, nhiều địa phương thuộc khu vực nông thôn có quyết định trở thành đô thị trong khi các hình thức sản xuất, phong tục, tập quán và lối sống của người dân vẫn duy trì theo kiểu nhà nông. Để phát triển các khu vực này thành đô thị hiện đại là rất khó trong khi những nét đẹp văn hóa mang tính bản sắc lâu đời của các làng quê trước đây thì đã mất đi. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào?” (Nguyễn Mai Anh - ĐH Quốc gia Hà Nội).
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến tại cuộc đối thoại trực tuyến. |
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Đô thị hóa là quá trình tất yếu của bất cứ quốc gia nào và trình độ phát triển của mỗi quốc gia được thể hiện rất rõ qua quá trình đô thị hóa. Ở Việt Nam, do tăng trưởng kinh tế nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh. Điều quan trọng là phải biết ứng xử với quá trình đó”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để tạo động lực cho sự phát triển, VN phải tập trung vào công tác quy hoạch, có lộ trình, kế hoạch thực hiện và sự tham gia của đông đảo người dân. Tuy nhiên, cần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, đặc biệt là các làng cổ để trở thành khoảng đệm, tạo sự thông thoáng của đô thị”.
Trả lời câu hỏi về tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản của bạn Hoàng Hữu Giang, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: Thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Thất thoát trong xây dựng là khái niệm vừa rộng, vừa hẹp. Theo nghĩa rộng, thất thoát bao gồm cả lãng phí do sử dụng kém hiệu quả so với mục tiêu dự án đề ra.
Để giải quyết cần có giải pháp như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư, xây dựng.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.