Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phương án thi trắc nghiệm năm 2017 là ưu việt.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục trả lời các đại biểu Quốc hội xung quanh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Liệu có chuyện ho 1 tiếng tích phương án 1..?
Tại phiên chất vấn ngày 16/11, một số đại biểu băn khoăn, hình thức thi trắc nghiệm đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động của học sinh, ảnh hưởng đến việc dạy và học ở cấp phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đắk Nông băn khoăn: “Việc công bố chính thức hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2016-2017 có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi năm 2017 trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu? Việc chủ yếu thi trắc nghiệm có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học ở cấp phổ thông và trong bối cảnh hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn thi? Bộ có biện pháp gì để tránh hiện tượng tiêu cực trong thi cử”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thi trắc nghiệm không đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động. Đối với thi trắc nghiệm, nhiều nước như Hàn Quốc cũng thi. Và thi trắc nghiệm cũng có nhiều câu hỏi cần phải suy luận. Vấn đề là cách thức tổ chức thi. Khi tổ chức thi trắc nghiệm nhiều học sinh rất phấn khởi, vì ngoài phải nhớ kiến thức, còn phải suy luận, phải có kiến thức tổng hợp. Như vậy, học sinh phải linh hoạt, năng động, có kiến thức.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT. Bà Nga tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Nhạ về hình thức thức thi trắc nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói: “Theo như trả lời của Bộ trưởng, hình thức thi trắc nghiệm của chúng ta là hình thức ưu việt, tuyệt đối. Nhưng trên thực tế tôi thấy, ngược lại”.
Đại biểu Nga phân tích: “Thi trắc nghiệm không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hô hào rất nhiều năm nay. Với các môn khoa học tự nhiên như lý, hóa, sinh, chúng ta không rèn luyện được kỹ năng thực hành cho học sinh. Trong những năm qua, các trường trung học phổ thông, dưới sự chỉ đạo của Bộ đã tốn rất nhiều tiền để xây dựng các phòng học bộ môn đạt chuẩn để thực hành. Rốt cuộc việc thực hành không làm gì cả, vì không có trong chương trình thi trắc nghiệm”.
Đại biểu Nga nói thêm: “Tôi xin cung cấp cho Bộ trưởng một sự thực như thế này. Các cháu học sinh đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Vì trong phòng thi chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất sau đó cho xức dầu gió rất nhiều. Cứ phương án 1 thì ho một tiếng cả phòng chúng cháu tích vào phương án 1, phương án 2 ho hai tiếng và trong quy chế thi không cấm thí sinh ho thế cho nên chỉ cần một bạn làm được bài là tất cả phòng làm được bài, đấy có phải là phương án ưu việt hay không”.
Chỉ thi kiến thức lớp 12
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, về chuyên môn, năm nay thực hiện thi kiến thức 12 còn sang năm nếu chưa thay đổi chương trình sách giáo khoa thì vẫn thi theo kiến thức hiện nay. Tuy vậy, Bộ GD-ĐT vẫn có lộ trình để thầy và trò chuẩn bị.
Bộ trưởng GD-ĐT lý giải, thi trắc nghiệm là linh hoạt bởi mỗi một năm, ngành giáo dục đều có cải tiến, nhưng cải tiến ở đây không phải đường đột. Bộ GD-ĐT cải tiến có tính toán về mặt chuyên môn từ tổ hợp như hiện nay là học gì thi đấy, biến môn thành bài, dần dần tổng hợp có những nội dung liên quan, hết chương trình sách giáo khoa xong.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, kỳ thi năm nay như những năm trước, sau Tết mới công bố Quy chế thi. Tuy vậy, ngay khi đầu năm học Bộ đã công bố và sau khi công bố 14 bài thi minh họa rất rõ để giáo viên và học sinh tham khảo.
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc “thi trắc nghiệm đi ngược lại với chủ trương tích cực năng động”, Bộ trưởng GD-ĐT đáp: Phương pháp tổ chức học từ thụ động sang phát huy phẩm chất năng lực và gần đây Bộ đang triển khai, không ảnh hưởng đến việc lựa chọn cách thức thi.
Ngoài ra, cũng theo ông Nhạ, đây là kỳ thi chung đảm bảo tính toàn diện, khách quan, trung thực, đã là phổ thông phải học phổ thông, tránh trường hợp thi môn nào học môn đấy, dẫn đến một thời gian dài toàn luyện thi, cho nên kiến thức cơ bản phổ thông yếu.
“Thi trắc nghiệm không cứng nhắc đâu, ngay trong kỹ thuật đề thi trắc nghiệm cũng rất khoa học, ngay cả ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản thi trắc nhiệm không phải theo kiểu đố biết hay không mà có những câu hỏi kiểm tra, câu hỏi suy luận mà rất nhiều câu hỏi liên quan đến tư duy phản biện để đánh giá suy đoán là hoàn toàn phát triển năng lực chứ không phải chỉ nhớ một cách máy móc”, ông Nhạ giải thích thêm.
Ông Nhạ nhấn mạnh: “Đổi mới mỗi một phương thức thi hay một bài thi chúng tôi rất cân nhắc, bởi vì ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tuy nhiên, một phương án không tuyệt đối được. Hơn nữa, không có một phương án thi nào có ưu điểm tuyệt đối mà đây là phương án phù hợp nhất trong các phương án. Chúng tôi tiếp thu và cố gắng làm sao cho tốt hơn để hạn chế một cách thấp nhất những hạn chế, bức xúc cho xã hội ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.