Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ưu đãi thuế, phí và lệ phí hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ưu đãi thuế, phí và lệ phí hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 02/02/2024 13:15 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, ngoài chính sách về đất đai, tín dụng thì cần ưu đãi về thuế, phí và lệ phí, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp hoạt động, phát triển.
Sáng 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022-Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".
Tham luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá, khu vực kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã (HTX), đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng nông nghiệp thông minh, số hóa, cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho thành viên hợp tác xã và cư dân nông thôn.
Nhắc lời Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, tỉnh Đồng Tháp: “HTX đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, công nghiệp hóa nông thôn”, Bộ trưởng cho biết, Bộ NNPTNT thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 4 nhóm chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một là, hỗ trợ phát triển đa dạng các mô hình tổ chức, quản trị hợp tác xã, phù hợp với đặc trưng từng vùng miền, ngành hàng sản phẩm.
Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, nhất là đào tạo nghề giám đốc HTX và đào tạo đội ngũ trẻ làm việc trong HTX. Bộ NNPTNT cũng chuẩn hóa hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo như tiêu chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, học liệu điện tử... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo.
Ba là, phát triển HTX gắn với vùng nguyên liệu. Bộ NNPTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn 14 địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam, với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, gồm trái cây, lúa gạo, cà phê, tôm.
Ngoài ra, khoảng 1.000 HTX tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình, kế hoạch của Bộ NNPTNT.
Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ logistic hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.
"HTX không chỉ là một mô hình kinh tế đơn thuần, không chỉ là một phong trào có tính thời điểm. Hơn hết, HTX là hành trình đổi mới tư duy bền bỉ, không ngừng, là triết lý cấp tiến của nhân loại về giá trị của liên kết, hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2023, cả nước có 96 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt; gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.000 HTX thực hiện bao tiêu nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa vào các nhóm chính sách. Đầu tiên là chính sách đất đai. Cụ thể: Đưa ra những giải pháp khả thi, linh hoạt về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; Hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản); Thí điểm hình thành thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Nhóm chính sách thứ hai là về thuế, phí và lệ phí. Bộ trưởng gợi ý, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng cho đối tượng HTX nông nghiệp, đặc biệt là các giao dịch nội bộ giữa HTX và thành viên. Ngoài ra, có thêm chính sách ưu đãi đối với HTX hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, HTX có nhiều thành viên, người lao động nữ, có nhiều thành viên, người lao động khuyết tật.
Cùng với đó là hỗ trợ chính sách tín dụng theo hướng tăng độ mở và linh hoạt đối với việc vay vốn cho HTX nông nghiệp, hoặc khuyến khích hoạt động tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đến hết năm 2023, cả nước có 96 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt; gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.000 HTX thực hiện bao tiêu nông sản.
Kết quả này thể hiện vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới, Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.