Thực hiện chính sách hỗ trợ còn chậm, nhiều HTX ở Thừa Thiên Huế hoạt động kém hiệu quả

An Sơn Thứ bảy, ngày 20/01/2024 15:30 PM (GMT+7)
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) ở Thừa Thiên Huế còn chậm, nhiều HTX ở tỉnh có tốc độ tăng trưởng chậm, hiệu quả hoạt động kinh tế chưa bền vững.
Bình luận 0

Ngày 19/1, Ban chỉ đạo phát triển kinh thể tập thể tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đến nay, Thừa Thiên Huế có 320 hợp tác xã (HTX), doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt 3.300 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 165 triệu đồng/năm.

Thực hiện chính sách hỗ trợ còn chậm, nhiều HTX ở Thừa Thiên Huế hoạt động kém hiệu quả- Ảnh 1.

HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) do ông Hồ Đa Thê sáng lập nhiều năm qua hoạt động hiệu quả với mô hình phát triển kinh tế rừng. Ảnh: An Sơn.

Trong năm 2023, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã chỉ đạo thành lập mới 17 HTX tại các địa phương, đạt cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh cũng đã chỉ đạo hỗ trợ, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra các khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đối với việc phát triển kinh tế tập thể ở tỉnh. Đó là: Công tác quản lý, điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế tập thể của một số cơ quan, đơn vị liên quan còn hạn chế; việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể chưa đồng bộ, toàn diện; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn chưa được tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn chậm; một số địa phương còn lúng túng và thiếu biện pháp chỉ đạo quyết liệt đối với các HTX tồn tại hình thức, hoạt động kém hiệu quả; nhiều HTX có tốc độ tăng trưởng chậm, hiệu quả hoạt động kinh tế chưa bền vững; một số HTX hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ nên rất khó khăn và lúng túng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển kinh thể tập thể tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. 

Ông Phan Quý Phương yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành và chính quyền, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các địa phương, các HTX cần cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể.

Ông Phan Quý Phương yêu cầu ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, HTX ở cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

"Một yếu tố hết sức quan trọng là các HTX phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem