Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói gì khi thăm, làm việc tại huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 31/07/2020 17:00 PM (GMT+7)
Sáng nay, 31/7, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đã đi kiểm tra thực địa tuyến đê biển Bình Minh 3 và thăm mô hình nuôi hàu, ngao giống, tôm tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Kiểm tra thực địa tại tuyến đê biển Bình Minh 3 tại huyện Kim Sơn. Đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo tổng thể về phát triển kinh tế vùng ven biển và công tác bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã triển khai đầu tư các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống đê biển Bình Minh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tăng đầu tư phát triển kinh tế biển, tạo động lực bền vững cho nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra thực địa tuyến đê biển Bình Minh 1,2, 3 của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình ông Lê Ngọc Quyết tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Được biết, đây là mô hình nuôi trồng thủy sản đã mang lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Quyết cho biết, diện tích nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình 7ha, bình quân lợi nhuận mang lại 1 tỷ đồng/1ha/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương đối với mô hình của gia đình ông Quyết, khi đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, mang lại hiểu quả kinh tế cao.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã báo cáo khái quát với đoàn về tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, những năm qua, Ninh Bình vẫn luôn xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lĩnh vực ưu tiên quan trọng hàng đầu. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt các Nghị quyết, Đề án định hướng, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ, phát triển ngành. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện.

Tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt trên 2%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt trên 8.600 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 130 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực (tăng tỷ trọng thủy sản, dịch vụ, chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt). 

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng đi vào chiều sâu, các tiêu chí được nâng lên, bổ sung tiêu chí phản ánh sự hài lòng của người dân.

Theo ông Ngọc, với lợi thế của Ninh Bình là địa phương có biển. Tỉnh luôn xác định thủy sản là ngành mũi nhọn. Tập trung phát triển theo hai trục nước ngọt và mặn lợ, nuôi trồng và khai thác.

Năm 2020, diện tích đạt 14 ha (tăng 2.900 ha so với 2015), trong đó nước ngọt là 10,5 nghìn ha, mặn lợ khoảng 3,5 nghìn ha, còn dự địa để tiếp tục mở rộng; sản lượng ước đạt 60,7 nghìn tấn, giá trị ước đạt 1.694 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với thủy sản mặn lợ đã ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi có lợi thế, có thị trường: tôm, cua xnah, ngao, cá chẽm…doanh thu 8 – 10 tỷ/ha. 

"Tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, khai thác, sử dụng có hiệu quả trên 7.000 ha vùng đất ven biển huyện Kim Sơn" – ông Ngọc cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đề nghị Tổng Cục thủy sản cùng với Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) phối hợp chặt chẽ với địa phương để khôi phục, cải tạo lại nguồn giống các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. 

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Mặc dù quy mô diện tích, dân số không lớn nhưng Ninh Bình lại có địa thế rất đặc biệt, là nút giao của 3 vùng, nơi tụ sơn tích thủy, chính vì thế tỉnh có đầy đủ các điều kiện để có một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững".

"Địa phương cần xác định rõ xây dựng nền nông nghiệp cần dựa trên những lợi thế sẵn có để xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu phục vụ cho du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh, thuận thiên và phù hợp với khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền" – ông Cường lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tăng đầu tư phát triển kinh tế biển, tạo động lực bền vững cho nông nghiệp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình hình nuôi hàu giống, ngao giống và tôm tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đi đôi với đó, tỉnh cũng đã tập trung cao cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai bằng các giải pháp tổng thể, dùng cả biện pháp tái cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện xây dựng NTM, Ninh Bình có nhiều cách làm sáng tạo, không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn chăm lo sản xuất, văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn.

Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, Ninh Bình là tỉnh có đầy đủ điều kiện thuận lợi như: biển, rừng, đồi núi…có cảnh quan rất đẹp – được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ, bởi vậy cần xây dựng khu vực NTM mà ai đến cũng người mộ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tới đây, tỉnh Ninh Bình cần xây dựng một nền nông nghiệp chủ đích phục vụ cho du lịch. Đó là nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh, "thuận thiên", kết hợp giữa khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền, đặc hữu chỉ có ở Ninh Bình. 

"Bộ NNPTNT sẽ cử các chuyên gia ở các đơn vị tư vấn lớn, uy tín về Ninh Bình để định dạng lại nền sản xuất nông nghiệp cho tỉnh. Xác định cụ thể đối tượng chủ lực là cây gì, con gì, sản xuất ở vùng nào, từ đó đưa ra các quy hoạch tổng thể, có giải pháp về kỹ thuật, công trình, xúc tiến thu hút đầu tư…" - Bộ trưởng Cường khẳng định.

Riêng huyện Kim Sơn, sẽ phải quy hoạch lại hạ tầng nuôi trồng thủy sản một cách bài bản, kết hợp với nhiệm vụ phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, từ đó xây dựng vùng này thành hình mẫu trong phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch vùng ngập mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tăng đầu tư phát triển kinh tế biển, tạo động lực bền vững cho nông nghiệp - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao về mô hình nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình ông Lê Ngọc Quyết (xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Bình kiến nghị, đề xuất với Bộ NNPTNT một số vấn đề: Cần cho rà soát lại quỹ đất trồng lúa toàn quốc, xác định cụ thể phải để lại bao nhiêu đất để trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực gia, còn lại nên cho phép các địa phương chuyển đổi sang hình thức sản xuất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong phát triển kinh tế biển, Bộ NNPTNT cần hỗ trợ các tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết theo hình thức liên tỉnh, theo vùng, gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Về xây dựng NTM, đề nghị sớm ban hành Bộ tiêu chí xã NTM, NTM kiểu mẫu cho địa phương triển khai giai đoạn 2021-2030…

Tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng Bảo tàng Văn hóa lúa nước Việt Nam, xây dựng Trung tâm bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp tại tỉnh; cho phép chuyển đổi khoảng 3 nghìn ha đất canh tác tại huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp sang chăn nuôi đại gia súc và vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan; dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn; dự án khu tập kết bảo quản sản phẩm thủy sản khu vực ven biển Kim Sơn…

"UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị cần rà soát quỹ đất trồng lúa toàn quốc, đất sản xuất lúa hàng năm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu, qua đó phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố để chỉ đạo sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các vùng trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem