Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Việt Nam là quốc gia đáng tin cậy, là câu chuyện phát triển sáng giá
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Việt Nam là quốc gia đáng tin cậy, là câu chuyện phát triển sáng giá
Mỹ Hằng
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 13:02 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi Việt Nam là quốc gia đáng tin cậy, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực chất bán dẫn. Bà cho biết đầu tư vào chất bán dẫn ở Việt Nam đang tăng tốc.
Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt trên sân khấu kinh tế toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu" – Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc gặp gỡ ngắn với báo chí sáng nay 21/7.
Bà chia sẻ: "Trong chuyến đi này, tôi đã tận mắt chứng kiến sự năng động và năng lượng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các bạn. Sức mạnh không thể phủ nhận này sẽ giúp các bạn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045".
Bà Yellen đã chia sẻ những đánh giá về vai trò của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi cho Hoa Kỳ. Trước họp báo, bà gặp gỡ bàn tròn với đại diện một số doanh nghiệp Hoa Kỳ để thảo luận về các cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang phải đối mặt khi chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam hoặc mở rộng năng lực hoạt động tại đây.
Bà cho rằng quan hệ đối tác kinh tế hai nước đã trở nên quan trọng hơn trong vài năm qua. Việt Nam trở thành một đối tác trong kế hoạch của Mỹ nhằm ứng phó với các cú sốc lịch sử về kinh tế, sức khỏe cộng đồng và địa chính trị từ năm 2020 trở lại đây.
"Một trong những biện pháp (để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững) là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế với số lượng lớn các quốc gia mà chúng ta có thể tin cậy – trong đó có Việt Nam". – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Theo kế hoạch này, Mỹ tăng cường cam kết và hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, khí hậu với một mạng lưới rộng lớn các đối tác kinh tế đáng tin cậy - không chỉ với các nền kinh tế tiên tiến – mà còn đối với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi như Việt Nam.
Về thương mại, chính quyền Mỹ đang theo đuổi một cách tiếp cận gọi là "friendshoring" – đặt sản xuất tại quốc gia bằng hữu, nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy.
Việt Nam là một trong số những quốc gia "đáng tin cậy" đó.
Siêu nhà máy tối tân
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cho biết: Chính quyền Hoa Kỳ đang ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một nút quan trọng trong chuỗi cung cấp chất bán dẫn toàn cầu.
"Và các khoản đầu tư đang tăng tốc" – bà tuyên bố. "Tại tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chưa đầy 1 giờ lái xe, Amkor – một công ty có trụ sở tại bang Arizona – sẽ sớm mở hoàn toàn một siêu nhà máy tối tân lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Ở phía nam, tại tỉnh Đồng Nai, một công ty khác của Mỹ, Onsemi, sản xuất chip được sử dụng trong ô tô từ cách nửa vòng trái đất. Gần đó – tại Khu công nghệ cao Sài Gòn – là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới".
Bà Yellen cũng nhắc đến việc Việt Nam và Hoa Kỳ là 2 trong số hơn 10 quốc gia tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Hai tháng trước, các quốc gia thành viên của IPEF đã công bố một thỏa thuận được đề xuất để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Theo thỏa thuận, các đối tác sẽ hợp tác để xây dựng sự hiểu biết chung về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, cải thiện khả năng ứng phó khủng hoảng và xác định các cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Khuôn khổ này cũng có lợi cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ bằng cách thúc đẩy đào tạo người lao động và quyền của người lao động
Trong lĩnh vực khí hậu, bà Yellen cho biết Hoa Kỳ đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Năm ngoái, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế, mà Hoa Kỳ là thành viên, đã khởi động Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT) nhằm huy động hơn 15 tỷ USD tài chính công và tư nhân để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Yellen khẳng định: "Đất nước của các bạn là một trong những câu chuyện phát triển sáng giá nhất trong thập kỷ qua. Hoa Kỳ tự hào tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với các bạn để xây dựng sự thịnh vượng kinh tế cho các quốc gia của chúng ta. Một quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ là vì lợi ích của cả hai chúng ta".
Bộ trưởng Yellen nói, Hoa Kỳ được khuyến khích bởi các mục tiêu mới đầy tham vọng của Việt Nam trong khuôn khổ JETP. Bà cho rằng giờ đây các bên phải tăng cường hợp tác để tạo động lực cho những nỗ lực này ở Việt Nam, đánh giá các cơ hội dự án với các ngân hàng phát triển đa phương và đưa ra Kế hoạch huy động nguồn lực cung cấp lộ trình thực hiện.
"Ngoài việc giảm thiểu khủng hoảng khí hậu, mối quan hệ hợp tác này với Việt Nam có thể giúp xúc tác cho sự phát triển của các ngành công nghiệp năng lượng sạch, tiên tiến mới. Nó có thể mở rộng cơ hội kinh tế cho người lao động Việt Nam" – bà nói.
Đối tác kiên định
Trong các phát biểu của mình, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen còn nhìn lại những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ song phương.
Bà cho rằng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, đã có chuyển đổi đáng kể ở Việt Nam, từ Hà Nội cho đến Thành phố Hồ Chí Minh. "Sự bùng nổ kinh tế này đã được thúc đẩy bởi sự làm việc chăm chỉ và tài năng của người dân Việt Nam, được xúc tác bởi động cơ cải cách thị trường và thương mại toàn cầu và đầu tư" – bà nói.
Bà Yellen điểm lại việc "Hoa Kỳ là đối tác kiên định của Việt Nam, từ việc ký kết hiệp định thương mại song phương đến việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Kể từ đó, mối quan hệ hai nước chỉ có được mở rộng và làm sâu sắc hơn".
Thương mại hiện bao gồm mọi thứ từ máy móc đến dệt may, linh kiện điện tử. Nhiều công ty lớn nhất của Mỹ - như Apple và Google - có sự hiện diện ngày càng tăng tại Việt Nam. Trong hai thập kỷ qua, thương mại giữa hai nước tăng trưởng với tỷ lệ đáng kinh ngạc gần 25% một năm.
Nhập khẩu hàng Việt vào Mỹ tăng chóng mặt. Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam cũng tăng gấp gần 20 lần so với năm 2002. "Không có dấu hiệu nào cho thấy đà này đang chậm lại. Thương mại hàng hóa của chúng ta đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái" – bà nói.
"Tôi tin rằng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ này là có thể bởi vì nó được thành lập trên sự tin tưởng lẫn nhau: Nó bắt nguồn từ công việc của chúng ta nhằm giải quyết các di sản chiến tranh và được củng cố bởi sự gần gũi và liên kết ngày càng tăng giữa người dân hai nước".
Giữa hai nước có lịch sử khó khăn và phức tạp, song tôi vẫn lạc quan về tương lai kinh tế mà hai nước đang cùng nhau xây dựng. Tôi mong được làm việc với Việt Nam để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế hai nước".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.