Một trong những đột phá của ngành y tế thời gian qua là nâng cao chất lượng và số lượng người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng nằm trong vùng trũng của chính sách, đặc biệt là nông dân… Thời gian tới, Bộ sẽ giải quyết thực trạng này ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đi thăm các cháu bé tại Trạm Y tế xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng). Quang Hiếu
- Năm vừa qua, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được ban hành có nhiều điểm mới đột phá, hội nhập quốc tế, tạo cơ chế tài chính vững bền để thực hiện mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân. Luật thể hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa công tác y tế, huy động sự tham gia, chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, thể hiện được tôn chỉ, mục đích cao quý của chính sách BHYT là nhiều người, cả xã hội cùng đóng góp để chăm sóc những người không may mắc bệnh, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, người khó khăn và các đối tượng chính sách khác.
Riêng người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, với mức đóng hiện nay thì 70% mức đóng BHYT còn lại (khoảng 421.000 đồng/thẻ BHYT) với nhiều người vẫn còn vượt quá khả năng đóng góp, nên các hộ gia đình này rất khó tham gia BHYT cũng như việc thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình BHYT toàn dân thì việc huy động sự tham BHYT trong nhóm đối tượng này là rất quan trọng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào một số giải pháp để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT với những đối tượng này, như: Đề nghị các địa phương chủ động cân đối ngân sách, hỗ trợ 70% phần mức đóng BHYT còn lại cho những đối tượng này để tham gia BHYT; tuyên truyền, vận động các đối tượng còn lại tham gia đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình để được giảm mức đóng BHYT khi toàn bộ thành viên tham gia BHYT theo mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi: Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất; kêu gọi các nhà tài trợ, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ thẻ BHYT cho đối tượng này thông qua nhiều hình thức...
Giảm tải trong bệnh viện cũng là một trong những công việc đã được Bộ trưởng triển khai rốt ráo trong năm qua và đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, gốc của vấn đề là chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến cơ sở còn thấp nên bệnh nhân dồn lên tuyến T.Ư. Bộ trưởng có những giải pháp gì để giải quyết tận gốc tình trạng này?
- Về đầu tư, với chủ trương ưu tiên cho các bệnh viện quá tải, năm 2013 Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt đầu tư cơ sở 2 của một số bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM. Một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bổ sung được 1.350 giường bệnh; nhiều bệnh viện tuyến T.Ư thuộc Bộ đã được cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, tăng số lượng bàn khám; nhiều bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo từ nguồn trái phiếu chính phủ đã góp phần thay đổi bộ mặt các bệnh viện.
Trong 2 năm 2013-2014, đã có 119 bệnh viện được xây dựng mới và đưa vào hoạt động (trong đó Trung ương 03; tỉnh, huyện 116).
Thứ hai là tiếp tục thực hiện việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi không cần thiết của người bệnh, thông qua việc tăng số buồng khám, bàn khám bệnh ở các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện có đông bệnh nhân đến khám bệnh vào những giờ cao điểm (theo báo cáo, so với năm 2012, tỷ lệ tăng số buồng khám năm 2014 là 23% ở tuyến T.Ư, 61% ở tuyến tỉnh và 39% ở tuyến huyện; tỷ lệ tăng số bàn khám là 20%, 58% và 42% tương ứng). Ngành y tế cũng đã phối hợp với bảo hiểm để giảm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT. Trước đây, bệnh nhân ra viện cần có 7 chữ ký thì nay chỉ còn 3 chữ ký. Những giải pháp vừa qua đã giúp thời gian chờ của người bệnh giảm bình quân 50 phút.
Bên cạnh đó, ngành cũng đang tích cực triển khai các đề án về giảm tải bệnh viện như Đề án 1816 về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình… Ở các đề án này, các bệnh viện tuyến T.Ư sẽ có trách nhiệm giúp đỡ các bệnh viện tuyến địa phương hoàn thiện hơn cả về mặt trình độ, tay nghề cũng như khả năng vận dụng khoa học kỹ thuật vào công tác khám chữa bệnh.
Nhờ những nỗ lực trên, đến nay tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện về cơ bản đã được giải quyết.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Để giải quyết được tận gốc tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cần có thời gian và thực hiện đồng bộ các giải pháp về trước mắt cũng như lâu dài.
Giải pháp trước mắt vẫn là tiếp tục đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh, khoa khám bệnh, tăng số giường bệnh ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến T.Ư; cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, cải cách quy trình khám bệnh; tăng cường thực hiện Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình…
Giải pháp lâu dài, căn cơ là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nhân lực cho y tế cơ sở, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của tuyến tỉnh, tuyến huyện; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, trong đó có tăng cường bao phủ BHYT toàn dân, từng bước tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…
Vấn đề y đức, so với những năm trước đã hạ nhiệt nhiều nhờ những nỗ lực cải cách thủ tục khám chữa bệnh, tăng cường tính trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh bằng việc công khai đường dây nóng. Bộ trưởng có thể cho biết số các vụ khiếu nại qua đường dây nóng của bệnh viện là bao nhiêu và hiệu quả giải quyết ra sao?
- Có thể nói, kỷ cương trong các cơ sở khám chữa bệnh đã được chấn chỉnh và kiểm soát thông qua việc tái thiết lập và phát huy hiệu quả Đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp. Trong năm vừa qua đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 10.000 ý kiến, trong đó hơn một nửa là có địa chỉ, qua đó đã có ít nhất 130 cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật, nhẹ nhất là cảnh cáo toàn viện, cao nhất là buộc thôi việc, cách chức khi có phản ảnh của người dân đến đường dây nóng.
Cùng với các giải pháp như cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, đổi mới quy trình khám bệnh, tăng cường tập huấn, giáo dục quy tắc ứng xử, việc triển khai đường dây nóng đã làm thay đổi đáng kể diện mạo và hoạt động của bệnh viện, nhất là khoa khám bệnh ở tất cả các bệnh viện trong cả nước. Những kết quả bước đầu của hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Năm 2015, ngành y tế sẽ tập trung vào nội dung nào, bức xúc nào để giải quyết triệt để, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2015, ngành y tế tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ trong tâm đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó sẽ dốc sức, tập trung vào nhiệm vụ giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành y tế sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp của đề án giảm quá tải bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng quy mô bệnh viện để tăng thêm giường bệnh, ưu tiên các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; tiếp tục tăng cường thực hiện việc cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh tại khu vực khám bệnh; các bệnh viện tuyến T.Ư tiếp tục ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh, sở y tế các tỉnh chỉ đạo các bệnh viện địa phương thực hiện cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh; đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, đề án thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, Đề án 1816 về nghĩa vụ luân phiên, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới…
Bên cạnh đó, ngành y tế đẩy mạnh tiến trình thực hiện BHYT toàn dân nhằm bao phủ đầy đủ các đối tượng, khuyến khích các nhà hảo tâm chung tay mua thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo; xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa đồng thời với việc thực hiện chính sách về nghĩa vụ xã hội của thầy thuốc.
Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát; đề cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị; kịp thời giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách.
Trong cuộc họp báo Chính phủ đầu năm 2015, Bộ trưởng đã chia sẻ rằng ngành y sẽ lắng nghe ý kiến trên cả mạng xã hội Facebook, chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời và minh bạch. Liệu Bộ trưởng có đủ thời gian theo dõi và trả lời các ý kiến góp ý trên mạng xã hội về những vấn đề của ngành?
- Thời gian qua, Bộ Y tế đã có những đổi mới về truyền thông, coi truyền thông là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của nhiệm kỳ này. Công tác truyền thông đã từng bước đạt kết quả tốt, người dân đã hiểu hơn về ngành y tế, về những khó khăn, vất vả của thầy thuốc. Nhưng công tác này vẫn cần được cải thiện, duy trì và tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.
Kinh nghiệm vừa qua cho thấy ngành y tế phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí để tuyên truyền đến người dân. Bên cạnh việc thường xuyên, đa dạng hóa cung cấp thông tin cho báo chíqua họp báo, giao lưu trực tuyến qua các đơn vị như Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc qua các chương trình, sự kiện…, lãnh đạo Bộ Y tế còn lắng nghe ý kiến thông qua nhiều hình thức khác, trong đó có theo dõi, cập nhật, lắng nghe thông tin qua mạng xã hội Facebook để khi phát hiện sai sót, vi phạm thì kịp thời kiểm chứng và xử lý nghiêm để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ thông tin trên môi trường mạng, Facebook và các mạng xã hội khác là một trong những kênh thông tin nhanh chóng, có tính thời sự và tương tác cao. Do đó, mặc dù rất bận do đặc thù công việc nhưng chúng tôi sẽ cố gắng dành thời gian có thể để cập nhật thông tin y tế trên mạng Facebook và lắng nghe sự phản hồi, góp ý về ngành.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép, nay chỉ còn 6-7%…; có 58% số bệnh viện tuyến T.Ư, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép ở một số khoa đông bệnh nhân; 25% số bệnh viện tuyến huyện đã tăng số bệnh nhân và tăng trung bình gần 20% công suất sử dụng giường bệnh; 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã giảm khoảng 25% số bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị so với năm trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.