Liên minh tay ba AUKUS: Nước cờ cao trong cuộc chơi lớn

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ ba, ngày 21/09/2021 13:30 PM (GMT+7)
AUKUS tuy hiện mới chỉ ở dạng tuyên bố ý định, thoả thuận mới đây giữa Mỹ, Anh và Australia về thành lập liên minh an ninh tay ba này đã nhanh chóng gây sóng gió trên chính trường thế giới.
Bình luận 0
Liên minh tay ba AUKUS: Nước cờ cao trong cuộc chơi lớn - Ảnh 1.

 

Chuyện sẽ rất bình thường nếu thoả thuận nói trên chỉ là hình thức hay cấp độ hợp tác mới giữa ba nước này đơn thuần về an ninh. Điều khiến thế giới phải đặc biệt lưu tâm ở đây là việc Mỹ và Anh giúp Australia có được tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, tức là Australia được hai đối tác kia chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Với những tính năng và công năng đặc biệt, tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tuy không phải là vũ khí hạt nhân nhưng được coi là thiết bị quân sự chiến lược. 

Nhờ có loại tàu ngầm này, Australia có thể gia tăng được rất đáng kể tiềm lực về quân sự, quốc phòng và an ninh. Ý nghĩa chiến lược và địa chính trị của nội dung này trong thoả thuận tay ba nói trên thể hiện rõ nhất trên hai phương diện cụ thể. 

Thứ nhất, cho tới nay, trên thế giới mới chỉ có 6 nước là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ có được công nghệ chế tạo tầu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc mới có từ năm 1987 và Ấn Độ từ năm 2012. Nhờ có Mỹ mà Anh mới được thuộc vào diện này từ năm 1958.

Thứ hai, cũng cho tới nay, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân cho Anh. Cho nên bằng thoả thuận mới kia, Mỹ nâng cấp quan hệ đồng minh chiến lược với Australia lên ngang bằng mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Anh.

AUKUS khiến thiên hạ ngay lập tức nghĩ đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cho rằng mục đích của bộ ba kia là đối phó Trung Quốc. Quan hệ của cả ba nước này với Trung Quốc hiện rất trắc trở và đúng là cả ba đều cảm nhận thấy bị Trung Quốc thách thức về quân sự và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt ở vùng biển Đông Bắc Á, ở khu vực Biển Đông và Nam Thái Bình Dương. 

Nhưng chắc chắn đối phó Trung Quốc không phải là tôn chỉ, mục đích duy nhất của liên minh an ninh tay ba này. Đúng là cả ba nước này đều theo đuổi mục tiêu đối phó Trung Quốc trên nhiều phương diện khác nhau nhưng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cuộc chơi địa chính trị còn chiến lược hơn nhiều so với chỉ đơn thuần có đối phó Trung Quốc.

Cho đến nay, Mỹ cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã định hình khuôn khổ diễn đàn tham vấn bốn bên - được gắn cho biệt danh Bộ Tứ kim cương - để kiến tạo các cấu trúc cần thiết cho khu vực lớn này, nhưng chỉ có thể về chính trị, kinh tế hay thương mại chứ chưa thể cả về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng. 

Liên minh an ninh tay ba này là kết quả của cách tiếp cận mới bổ sung cho Bộ Tứ nói trên. Sự can dự trực tiếp thêm của Anh và việc Australia sở hữu tầu ngầm hạt nhân sẽ tạo cục diện chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 Đương nhiên, những đối thủ hiện tại của họ như Trung Quốc (đối với cả ba) hay Triều Tiên (đối với Mỹ) sẽ là những bên đầu tiên phải quan ngại sâu sắc. Chỉ có điều là phải mất thêm nhiều năm nữa thì Australia mới có được chiếc tầu ngầm hạt nhân đầu tiên. 

Cho tới thời điểm ấy sẽ có biết bao nhiêu điều bất ngờ có thể xảy ra như ba bên thực hiện thoả thuận này triệt để và thành công đến đâu, các đối tác như Trung Quốc hay Triều Tiên, Indonesia hay Malaysia sẽ ứng phó như thế nào, liệu còn có hình thành liên minh an ninh mới hai bên hay nhiều bên nữa hay không ở khu vực này.....,

Trước mắt, AUKUS có tác động rất to lớn về chính trị và tâm lý. Ngoài thông điệp được phát đi về phía Trung Quốc là bộ ba này không để cho Trung Quốc muốn mưu tính và hành động về chính trị và quân sự như thế nào cũng được ở khu vực này, họ còn muốn thể hiện là những tác nhân quyết định nhất về chính trị an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tức là họ xác định luật chơi và dẫn dắt cuộc chơi về chính trị an ninh ở khu vực này.

 Cả Bộ Tứ kim cương lẫn bộ ba an ninh này hay các cơ chế tham vấn song phương giữa các bên kia đều không có ý định dành cho Trung Quốc vai vế nào đấy trong cuộc chơi mới ở khu vực lớn. Trung Quốc có chịu chấp nhận hay không hoặc sẽ ứng phó như thế nào lại là chuyện khác.

AUKUS trong bản chất là nước cờ chiến lược cao của Mỹ, Anh và Australia. Mỹ và Australia sẽ tìm cách gắn kết liên minh an ninh này với khuôn khổ Bộ Tứ kim cương. AUKUS làm cho khu vực   Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thêm nổi bật về chính trị thế giới. 

Vì thoả thuận này mà bộ ba sẽ gặp khó khăn và khó xử mới với Pháp và một số thành viên Nato do Australia đơn phương và bất ngờ huỷ bỏ thoả thuận đã ký với Australia về cung ứng 12 tầu ngầm chạy bằng diesel cho Australia và do Mỹ, Anh không tham vấn các đồng minh Nato trước khi ký thoả thuận hợp tác an ninh và chuyển giao công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân cho Australia. Họ sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của Trung Quốc và một số nước khác nữa trong khu vực. Họ không thể không trù liệu đến khả năng sẽ xảy ra đột biến mới ở khu vực này về chính trị an ninh trong thời gian tới. Cuộc chơi lớn càng ngày càng thêm đa dạng, phức tạp và thú vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem