Bộ Tư pháp nói về sự cố hỗn loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long

Lương Kết Thứ tư, ngày 26/04/2017 11:41 AM (GMT+7)
Theo ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), hiện nay Luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi người bị oan một cách nghiêm túc, công khai, còn việc tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong luật cơ bản quy định chưa rõ ràng.
Bình luận 0

Sáng 26.4, tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tư pháp, báo chí đã dẫn chứng sự cố trong tổ chức công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long tại xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang chiều 25.4 và đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tư pháp: Làm sao để những buổi xin lỗi công khai người bị oan khác diễn ra nghiêm túc, an toàn?

img

Ông Trần Việt Hưng.

Ông Trần Việt Hưng cho biết, hôm qua tại buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, các cơ quan tố tụng được bố trí đầy đủ thành phần tham từ đại diện cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, xét xử, đại diện các cơ quan thể hiện sự cầu thị.

"Tuy nhiên việc tổ chức xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long lại có những sự cố khi người nhà bị hại có hành vi gây rối. Những vấn đề như vậy Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định. Tôi không bình luận nhiều, tuy nhiên luật phải được thực thi nghiêm túc khi cơ quan Nhà nước đã xác định việc công dân bị oan và tổ chức xin lỗi. Còn trách nhiệm xác định, truy tìm thủ phạm do các cơ quan điều tra tiến hành.

Hành vi gây rối của gia đình bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc ông Long bị oan các cơ quan tố tụng đã chứng minh một cách có căn cứ. Tôi chia sẻ như vậy chứ không bình luận thêm" - ông Hưng nói.

Nói về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ông Hưng cho biết: Với tất cả thực tiễn xảy ra trong thời gian qua, trong dự thảo Luật mới chúng tôi quy định cụ thể, thay vì sau khi có quyết định giải quyết bồi thường, dự thảo luật quy định trong quá trình yêu cầu bồi thường yêu cầu cơ quan đã làm sai tổ chức xin lỗi công khai người bị oan.

"Chúng tôi mới đề xuất quy định yêu cầu về khôi phục danh dự sẽ không có thời hiệu, nghĩa là việc giải quyết bồi thường về tài sản trong vòng 3 năm, còn yêu cầu khôi phục danh dự không tính thời hiệu để bảo đảm danh dự của con người, quyền của công dân phù hợp Hiến pháp" - ông Hưng thông tin.

Vẫn theo ông Hưng, trong dự thảo Luật sẽ quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong quá trình tổ chức xin lỗi công khai công dân bị oan.

"Còn làm thế nào để buổi xin lỗi oan sai diễn ra trật tự, không có gây rối, quá khích thì phụ thuộc vào các phương án tổ chức, cách thức bảo vệ để bảo đảm việc tổ chức xin lỗi công khai công dân bị oan, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật" - ông Hưng bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem