Vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén đã được giải quyết trong năm 2017. (Ảnh: I.T)
Nhà nước bồi thường oan sai hơn 32,8 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc vừa ký văn bản số 386/BC-BTP báo cáo Chính phủ công tác bồi thường nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2018.
Theo đó, số liệu tổng hợp thông tin từ báo cáo của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh từ ngày 1.10.2016 đến ngày 30.9.2017 cho thấy, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 109 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới, đã giải quyết xong 40/109 vụ việc, đạt tỉ lệ 36,6% (giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29.141.607.000 đồng. Còn 69 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 23 vụ án dân sự đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường. Trong 13 vụ án thụ lý mới (giảm 4 vụ án so với năm 2016), hoạt động quản lý hành chính có 5 vụ án, hoạt động tố tụng hình sự có 16 vụ án, hoạt động thi hành án dân sự có 2 vụ án. 9 vụ đã giải quyết xong, đạt tỷ lệ 39,1% (giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 3.684.000.072 đồng (giảm 23.614.000.420 đồng). Còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Như vậy, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32.825.679.000 đồng (giảm 20.824.000.022 đồng so với cùng kỳ năm 2016).
Cũng theo Bộ Tư pháp, năm 2017, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường đối với 19 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là hơn 16,5 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức làm sai với 9 vụ việc với tổng số tiền hơn 166 triệu đồng.
Trong số những vụ việc này, lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc TAND, VKSND các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bồi thường trên cơ sở rà soát các vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm như vụ việc ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận hay ông Trần Sam Sái ở tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, một số vụ án oan sai có tính chất nghiêm trọng đều được các cơ quan tố tụng khẩn trương tổ chức xin lỗi công khai và tiến hành các thủ tục thương lượng bồi thường thiệt hại được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ như: Vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh, cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi công khai ngày 11.8.2017; vụ việc của bà Đặng Thị Nga và các con ở tỉnh Điện Biên, cơ quan đã tổ chức xin lỗi công khai ngày 24.10.2017; vụ việc bà Trịnh Thị Nghi ở tỉnh Đồng Nai cũng được tổ chức xin lỗi công khai ngày 4.10.2017.
Phối hợp giải quyết vụ việc Hàn Đức Long năm 2018
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ Tư pháp, trong công tác giải quyết bồi thường, số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước đã thụ lý, giải quyết trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án có chiều hướng tăng so với năm 2016 (tăng 4 vụ việc).
Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thụ lý, giải quyết vụ việc của ông Hàn Đức Long (áo trắng). (Ảnh: I.T)
Song số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực chất tình hình vi phạm trong thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính. Cụ thể, theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm, từ 2012 đến 2016, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết khiếu nại 166.057 vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó, có 16,4% khiếu nại đúng, 13,1% khiếu nại có đúng, có sai. Tỷ lệ vụ việc giải quyết bồi thường xong chỉ đạt: 36,7%, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy hiệu quả giải quyết bồi thường của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường chưa cao.
Qua công tác phối hợp giải quyết bồi thường Nhà nước cũng như rà soát, lập danh mục các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, vẫn còn một số vụ việc phức tạp kéo dài chưa được giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Điển hình trong hoạt động quản lý hành chính là vụ việc ông Phạm Thanh Hà, tỉnh Quảng Ninh; vụ việc ông Nguyễn Văn Năm, tỉnh Tuyên Quang; vụ việc ông Vũ Văn Vấn, tỉnh Thái Bình. Trong hoạt động tố tụng là các vụ việc của ông Nguyễn Văn Hùng, tỉnh Bình Phước; vụ việc ông Nguyễn Văn Triều, TP.Cần Thơ; vụ việc ông Trịnh Công Minh, tỉnh Đắk Lắk.
Từ đây, Bộ Tư pháp đã đề xuất 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 với những nội dung được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25.8.2017.
Về giải pháp chủ yếu cho năm 2018, Bộ Tư pháp cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật kịp thời, chất lượng, đúng thời gian có hiệu lực của luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành luật; đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 cho đến khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực thi hành; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thụ lý, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài như vụ việc ông Vũ Văn Vấn, tỉnh Thái Bình; vụ việc bà Bùi Thị Rịt, tỉnh Tây Ninh; Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội, TP.Hải Phòng; vụ việc ông Phạm Thanh Hà, tỉnh Quảng Ninh; vụ việc ông Hàn Đức Long, tỉnh Bắc Giang; vụ việc ông Trần Văn Thêm, tỉnh Bắc Ninh; vụ việc ông Võ Văn Hên, tỉnh Sóc Trăng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.