Bố ung thư giai đoạn cuối quay video gửi tương lai của con gái 4 tuổi
Bố ung thư giai đoạn cuối quay video gửi tương lai của con gái 4 tuổi
Chủ nhật, ngày 24/09/2023 16:07 PM (GMT+7)
Phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối cách đây hơn một năm, anh Hai chủ động quay video gửi tương lai của con gái, chuẩn bị cho một ngày rời xa gia đình.
"Bố luôn cố gắng từng ngày để được ở bên con lâu nhất"
Trong đoạn video đầu tiên gửi con gái Anh Thư (4 tuổi) hôm 11/9, anh Phạm Minh Hai (34 tuổi, TP Cao Bằng) ghi lại cảnh điều trị trong bệnh viện, nhắn nhủ: "Bố luôn cố gắng từng ngày để được ở bên con lâu nhất".
"Nếu sau này bố không còn nữa thì con có thể lên mạng xem lại video này, nhìn ông bố lúc 34 tuổi trông như thế nào. Dù bệnh tật thế nào bố luôn vui vẻ, cuộc sống nhiều khó khăn, tự mình phải cố gắng vượt qua", anh nói với con.
9 ngày sau, trong video thứ hai, Anh Thư ngồi gọn trong lòng bố, thủ thỉ: "Bố tập thể dục đi, không bị ung thư là bay lên trời".
"Nghe lời" con gái, anh Hai xỏ giày, chạy kết hợp đi bộ 8km xung quanh nhà. Anh tâm sự, chính bé Thư là động lực để anh tiếp tục sống và chiến đấu với bệnh tật mỗi ngày.
Anh ví von những con dốc trên đường chạy là những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, dặn con đi chậm lại, nhưng đừng dừng bước, đi bộ cũng được.
"Có những khoảng thời gian may mắn, thì cũng có lúc khó khăn, nhưng con đừng quay đầu, đừng dừng lại. Con hãy đi chậm, bước tiếp và vượt qua. Đấy cũng là cách bố vượt qua khi biết mình là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Cố lên con nhé", anh nói. Anh Hai phát hiện mắc ung thư phổi vào tháng 3/2022, từ những triệu chứng đau cột sống, đau mỏi cổ vai gáy kéo dài. Giữa thời kỳ dịch Covid-19, anh một mình từ TP Cao Bằng xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám.
Sau một vài xét nghiệm cơ bản, bác sĩ nhận thấy điều bất thường của bệnh nhân. Khi đó, anh cũng đoán ra phần nào căn bệnh của mình và tính chất nghiêm trọng của nó.
Kết quả sinh thiết cho thấy trong phổi của anh có một khối u ác tính, đã ở giai đoạn cuối, di căn sang xương.
"Dù đã chuẩn bị trước tâm lý, tôi mất một đêm nằm khóc tại nhà trọ, vừa nhớ và thương con", anh Hai kể.
Biết chồng mắc bệnh, chị Nguyệt Mai sốc, chưa từng nghĩ sẽ có người thân bị ung thư.
"Tôi rất bàng hoàng và suy sụp, nhưng cố bình tĩnh lại, động viên chồng chấp nhận và đối diện với sự thật, chuẩn bị tinh thần thật tốt để bước vào điều trị", người vợ nhớ lại.
Ngày hôm sau, gạt nước mắt, anh Hai vực dậy tinh thần, được bác sĩ giới thiệu sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nhập viện điều trị. Anh tự nhủ vì là trụ cột gia đình, nếu đau buồn, gục ngã thì sẽ ảnh hưởng bố mẹ và vợ con.
"Tôi cố gắng sống vui vẻ, được ngày nào hay ngày đó"
Những ngày đầu vào thuốc, anh Hai giữ tinh thần vui vẻ và thoải mái nhất có thể, dù thể xác phải chịu đựng tác dụng phụ đau đớn như tiêu chảy, nhiệt miệng, mụn nhọt khắp người, loét móng tay, chân…
Mỗi lần một mình vượt gần 300km từ TP Cao Bằng xuống Hà Nội điều trị, anh nhớ vợ con và gia đình, chỉ mong đến giờ Anh Thư đi học về để gọi điện tâm sự. Bé gái chỉ biết "bố bị ốm rất nặng, phải đến bệnh viện để các bác sĩ chữa bệnh".
Trong những buổi trò chuyện với bố, Anh Thư thường hỏi: "Bố ơi, bao giờ bố về? Bố khỏi ốm chưa? Bác sĩ tiêm bố có đau không?". Nghe những lời động viên của đứa con gái hiểu chuyện, anh như được tiếp thêm sức mạnh, mạnh mẽ "chiến đấu" với ung thư.
Điều trị ổn định khoảng 6 tháng, anh Hai tập đi bộ. Thời gian trước, anh hầu như chỉ nằm một chỗ, chịu những cơn đau dày vò liên hồi.
Ban đầu, anh chỉ đi vài trăm mét quanh nhà, với phương pháp "tự lắng nghe bản thân". Anh tăng dần cự ly mỗi ngày, tự điều chỉnh phù hợp với cơ thể. Khi đã quen đi bộ, anh chuyển sang chạy, hiện có thể chạy trung bình 10km.
Hồi tháng 8, anh tham gia một giải chạy ở thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) với cự ly 10km.
"Đi và chạy bộ giúp tôi tập hít thở, cải thiện tình trạng phổi. Cơ thể săn chắc và dẻo dai, tăng cường trao đổi chất, giúp đào thải chất độc nhanh hơn. Phổi cũng dần nhẹ nhàng, không còn khó thở nữa", anh cho hay.
Sau hơn một năm từ ngày phát hiện mắc ung thư, sức khỏe của anh dần khá lên. Các bác sĩ thông báo khối u gần như tan hết, chỉ còn những nốt mờ trên phim chụp. Các khu vực di căn được kiểm soát tốt, không bị lan rộng.
Ngoài việc tái khám định kỳ ở Hà Nội, anh duy trì công việc lái xe taxi kiếm thêm thu nhập.
Dù vậy, người đàn ông vẫn âm thầm chuẩn bị cho một ngày rời xa gia đình. Đầu tháng 9, anh bắt đầu quay những video ngắn, không đầu tư chỉnh sửa, chỉ đơn giản lưu giữ kỷ niệm sau này cho con gái.
"Nếu không may tôi không còn nữa, Anh Thư có thể hiểu được phần nào cuộc sống của tôi những năm này", anh nói.
Hai video đầu tiên thu hút hàng triệu lượt xem, những bình luận khích lệ và động viên "bố Anh Thư cố lên". Anh Hai dự định tiếp tục làm video trò chuyện với con, về những chủ đề hàng ngày, hay những sự kiện đặc biệt, những ngày cả gia đình cùng đi chơi.
Anh không nặng nề chuyện răn dạy con, mà chỉ muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất.
"Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, ngẫm lại thấy rằng chỉ cần kiên định bước tiếp, mọi chuyện sẽ thành công. Tôi mong con gái sau này sẽ là một người kiên trì, không ngại khó khăn", người cha tâm sự.
Quan điểm của vợ chồng chị Nguyệt Mai là dù cuộc đời ngắn hay dài cũng chỉ là con số đếm được.
"Quan trọng là mỗi ngày trôi qua chúng ta sống hết mình và trải nghiệm thật nhiều, để sau này khi nhìn lại dù không được tận hưởng nữa, nhưng chắc chắn sẽ không phải hối tiếc điều gì", chị nói.
Nhìn lại hành trình "chiến đấu" với ung thư, anh Hai nói chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Anh đã tự gạt hết suy nghĩ tiêu cực, hướng đến những ngày tháng tươi đẹp phía trước.
"Tôi không suy nghĩ xa xôi, không đặt mục tiêu phải sống 5 năm, 10 năm hay 20 năm. Tôi chỉ cố gắng sống vui vẻ cùng gia đình, được ngày nào hay ngày đó", anh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.