Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: "Vận mệnh của mình sao lại phụ thuộc vào lá thăm may rủi?"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 11/10/2024 06:39 AM (GMT+7)
Dự thảo của Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về việc bốc thăm môn thứ ba cho kì thi vào lớp 10 nhận được quan tâm từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng không nên bốc thăm môn thứ 3.
Bình luận 0

Bốc thăm môn thứ 3 thi vào lớp 10: Ý kiến từ các nhà trường

Bộ GDĐT lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Điểm mới trong phương án Bộ GDĐT đưa ra là sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 do Sở GDĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại của chương trình THCS. Môn thi thứ 3 phải được Sở GDĐT công bố vào cuối tháng 3 hằng năm, cách kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chừng vài tháng.

Thông tin này đang gây tranh luận 2 luồng ý kiến của phụ huynh và nhà trường. Trong đó, nhiều người cho biết không nên bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10.

Bốc thăm môn thứ 3 thi vào lớp 10:  - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2023. Ảnh: GK

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Trường Marie Curie, Hà Nội cho biết: "Nếu hỏi, chúng tôi xin trả lời là không nên bốc thăm, dù là môn thi thứ ba. Giáo dục cần phải rõ ràng và ổn định. Không phải vì "bất lực" trong việc quản lý dạy và học ở cấp THCS mà phải đặt giáo viên, học sinh và phụ huynh trong tình huống "may nhờ, rủi chịu".

Việc bắt buộc thi Văn và Toán không có ai có ý kiến gì. Vì đó là 2 môn học xuyên suốt từ lớp 1 - 12, cốt lõi của chương trình phổ thông. Có thể chỉ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng 2 môn Văn và Toán.

Nếu cần thi thêm môn thứ ba thì nên chọn môn ngoại ngữ. Đến một lúc nào đó, ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông được "luật hoá" là tiếng Anh, thì môn thi thứ ba là tiếng Anh. Thi tuyển vào lớp 10 THPT với ba môn bắt buộc là Văn, Toán và tiếng Anh. Ba môn Văn, Toán và Ngoại ngữ là những môn tất cả học sinh THPT đều phải học.

Nếu "ai" đó đề xuất thi 4 môn, chúng tôi không mong muốn điều này, thì cũng nên chọn trong số các môn học bắt buộc ở cấp THPT.

Cuối cùng, chúng tôi hoan nghênh Bộ GDĐT có chủ trương thống nhất phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT trên toàn quốc. Nhưng phương thức nào thì cũng cần phù hợp lòng dân (giáo viên, học sinh và phụ huynh), cụ thể, minh bạch và ổn định".

Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nêu quan điểm: "Theo tôi cứ đàng hoàng công bố môn thi vào 10, không nên bốc thăm môn thi thứ 3. Kỳ thi vào 10 thì mục đích chính là để tuyển sinh vào 10, xếp từ cao đến thấp cho mỗi nguyện vọng vào trường mà học sinh đăng ký. Tất nhiên là địa phương đó có thêm thông số về việc dạy và học các môn thi.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, các địa phương nên công bố môn thi từ đầu năm học, chứ không phải đợi đến 31/3 hàng năm. Cảm giác chờ đợi luôn là cảm giác rất khó chịu".

Lo ngại vấn đề học lệch, thầy Tùng cho rằng: "Tình trạng học sinh đã học lệch thì vẫn cứ lệch. Các em chỉ học nhiều, học sâu những gì chúng thích. Đó là điều dễ hiểu. Các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ là đã đủ đảm bảo đánh giá chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng của các môn học rồi. Học sinh nào không đạt thì không thể cho lên lớp, còn nếu đạt thì đương nhiên đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình thì khái niệm lệch là chưa đúng. Các em học sinh trường chuyên học lệch nhất và vẫn thành công rất nhiều. Sao cứ phải bốc thăm làm gì? Vận mệnh của mình sao lại phụ thuộc vào lá thăm may rủi?".

Vì sao nên thi 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh?

Theo anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách "Cùng con vượt qua các kỳ thi" và "Tư vấn thi vào 10" bày tỏ: "Theo kế hoạch, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố các môn thi vào cuối tháng 3 năm 2025. Mặc dù hiện nay trên lớp, học sinh đã bắt đầu có những bài khảo sát đánh giá chất lượng, tuy nhiên nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 đang lo lắng, bởi các con 2k10 là lứa đầu tiên học bộ SGK mới, 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Đây là nguyên nhân khiến phụ huynh không yên tâm.

Cuối tháng 8, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc, đề minh họa thi lớp 10 của 7 môn học, để học sinh có hướng ôn tập trước kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới. Bảy môn này gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học. Tuy nhiên, khách quan mà nói, áp lực không vì thế giảm bớt, thậm chí còn nhiều hơn mọi năm.

Nhằm giảm áp lực trong thi cử, đầu tháng 10 Bộ GDĐT lấy ý kiến của các Sở, nhà trường cho dự thảo Thông tư về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới. Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 năm tới có thể gồm Toán, Văn và 1 môn được bốc thăm ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo tôi nên có phương án thi ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh cố định hàng năm, thay vì bốc thăm như đề xuất, bởi trước khi đủ tiêu chuẩn dự thi vào 10, các con đã trải qua kỳ kiểm tra tất cả các môn học để xét tốt nghiệp bậc THCS.

Hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn cần thiết và không bàn cãi, với những môn còn lại, các con có ý định thi chuyên sẽ ôn luyện nâng cao, nhưng môn tiếng Anh quan trọng không kém khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đặc biệt khi "Một trong những nhiệm vụ Bộ Chính trị yêu cầu các cấp là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Giảm áp lực kỳ thi vào 10, nên chăng bắt đầu từ chính việc giảm bớt môn thi và có phương án cố định, thay vì mỗi năm vào tháng 3 phụ huynh và học sinh lại đứng ngồi không yên. Từ những trình bày trên, thiết nghĩ trong kì thi vào 10 năm nay, Sở GDĐT Hà Nội hãy chọn phương án thi ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, bởi đó là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và thí sinh lứa 2k10 và các thế hệ học sinh tiếp theo. Cá nhân tôi ủng hộ thi ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh".

Chiều 7/10, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất chu trình sau 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018). Theo đó, năm học này, công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rơi vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7/2025.

Bộ GDĐT đang hết sức khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT. Theo dự kiến, đến tháng 11/2024, Bộ sẽ ban hành Quy chế thi THPT và dự kiến ngày 15/10 tới, sẽ đăng lên Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem