Từ đầu tháng 6/2024, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) tổ chức phụ đạo hè cho 14 học sinh các khối 1, 2, 3. Theo cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường, năm học vừa qua, còn một số em tiếp thu chậm, rải rác ở các lớp nên nhà trường đưa ra giải pháp phụ đạo trong hè. Vì vậy, trước khi kết thúc năm học 2023 - 2024, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch và giao giáo viên chủ nhiệm phổ biến tới phụ huynh về tình hình học tập của con em.
“Với lớp học hè đặc biệt này, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ nỗ lực “dặm” lại tất cả kiến thức, kỹ năng trò còn yếu. Trong quá trình ôn tập, thầy cô giảng chi tiết, cụ thể và luôn theo sát sức học từng em. Đồng thời, giáo viên thường xuyên kiểm tra bài và cho học sinh làm dạng bài tập căn bản, tìm hiểu nguyên nhân các em chưa hiểu bài, không làm được bài tập để có phương pháp dạy phù hợp. Sau 2 tuần triển khai, nhà trường cho kiểm tra có 5 em đã đạt. 9 em còn lại, giáo viên tiếp tục ôn tập”, cô Mai cho biết.
Tương tự, ngay sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12, TPHCM) tổ chức ôn tập cho học sinh các khối 6, 7 và 8 có học lực yếu, kém. Hiệu trưởng Đinh Văn Trịnh cho biết, giáo viên xác định việc tổ chức ôn tập nhằm giúp các em bổ sung kiến thức, đủ tự tin để vươn lên trong học tập.
Do đó, trước khi tổng kết năm học 2023 - 2024, nhà trường tổ chức họp phụ huynh toàn trường để thông tin về trường hợp có học lực yếu. Qua danh sách nhà trường thông báo, phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em phụ đạo thì đăng ký với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích học sinh không thuộc diện phụ đạo đăng ký học.
“Hiện, khối 6, 7 và 8 của Trường THCS Nguyễn Hiền có 56 lớp. Nhà trường phụ đạo tất cả môn, các lớp học “tiếp sức” đều dạy miễn phí. Theo thống kê, mỗi lớp có 1 - 2 học sinh đăng ký phụ đạo dịp hè năm nay. Nhà trường đã chia lớp theo từng bộ môn của khối, sau đó phân công giáo viên giảng dạy các tháng hè, mỗi tuần 2 buổi, tùy từng môn sẽ có thời khóa biểu cụ thể. Trước đó, nhà trường cũng cho giáo viên đăng ký giảng dạy phụ đạo trong hè. Dự kiến giữa tháng 7, nhà trường tổ chức kiểm tra lên lớp cho các em”, thầy Trịnh nói.
Kết thúc năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học An Hạ (huyện Bình Chánh) còn 12 em chưa đạt để lên lớp, đây là những em tiếp thu chậm, nằm rải rác ở các lớp. Do đó, sau khi kết thúc năm học nhà trường lên kế hoạch ôn tập cho các em.
“Trên cơ sở kết quả học của học sinh sau khi kiểm tra các môn ở học kỳ II, giáo viên đã thông tin cho phụ huynh cách giúp trẻ học tập tại nhà. Đối với học sinh chưa đạt, nhà trường lên kế hoạch tổ chức ôn tập từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8. Tổ chức kiểm tra cho các em vào 2 đợt giữa tháng 7 và giữa tháng 8”, thầy Hiệu trưởng Phạm Trung Hữu cho hay.
Nhà trường kết hợp phụ huynh
Cuối tháng 5/2024, Sở GD&ĐT TPHCM ra văn bản chỉ đạo các trường học từ tiểu học đến THPT trên địa bàn về việc tổ chức các hoạt động hè cho học sinh. Trong đó, sở nhấn mạnh việc không tổ chức dạy văn hóa trong dịp này. Trên thực tế, việc củng cố kiến thức cho học sinh yếu trong hè rất cần thiết. Do đó, những năm qua, trước khi kết thúc năm học, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu kém và kiểm tra đánh giá lại cho các em.
Cô Lê Thị Quỳnh Hoa - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12, TPHCM) tham gia giảng dạy dịp hè này chia sẻ, học sinh đăng ký học phụ đạo đa phần chưa đủ điều kiện lên lớp nên giáo viên phải “cầm tay chỉ việc” giúp các em hiểu từng câu, chữ. Đặc biệt, quá trình ôn tập cô Hoa cũng như các giáo viên phải tìm phương pháp dễ hiểu nhất giúp các em nắm được kiến thức.
“Lớp tôi phụ trách có 10 học sinh khối 7. Với sĩ số này rất thuận tiện cho việc hướng dẫn từng em. Trong quá trình học không nặng nề ôm đồm kiến thức, dạy tới đâu học sinh nắm tới đó nên việc học cũng nhẹ nhàng. Thời gian phụ đạo, tôi luôn tạo tinh thần vui vẻ cho học sinh bằng việc đan xen dạy học với tổ chức các trò chơi.
Mặc dù, thầy cô luôn nỗ lực ôn tập để bù lấp kiến thức, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức học của học sinh và sự quan tâm của phụ huynh. Cha mẹ nên sát sao, động viên, kèm cặp ôn tập lại những phần kiến thức đã học để các em vững vàng khi bước vào năm học mới”, cô Hoa chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) thông tin: “Với những lớp phụ đạo trong hè, quá trình ôn tập, giáo viên giảng chi tiết, cụ thể và luôn theo sát sức học từng em. Tất nhiên để đạt được kết quả như mong đợi, ngoài nỗ lực của giáo viên chủ nhiệm cũng cần sự phối hợp của phụ huynh trong việc sát sao, kèm cặp con em, có như vậy mới giúp các em vững vàng trước khi bước vào năm học mới”.
Cô Đỗ Thị Mai cho biết: Việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh yếu, kém, nhà trường sẽ đánh giá thực chất, không chạy theo thành tích. Những em không đảm bảo kiến thức, kỹ năng sẽ phải ở lại lớp, tránh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.