"Bom 4 chân" biết chạy: Vũ khí đáng gờm Liên Xô dùng để diệt xe tăng Đức
"Bom 4 chân" biết chạy: Vũ khí đáng gờm Liên Xô dùng để diệt xe tăng Đức
Thứ hai, ngày 19/06/2023 11:31 AM (GMT+7)
Trong tình cảnh thiếu vũ khí chống tăng hiệu quả khi đối đầu quân xâm lược Đức quốc xã, Hồng quân Liên Xô quyết định sử dụng "bom 4 chân" biết chạy. Loại vũ khí đáng gờm này trở thành mối đe dọa lớn với bước tiến của quân Hitler giai đoạn đầu Thế chiến II.
Ngày 22/6/1941, quân đội của Hitler tiến hành cuộc xâm lược lớn nhất trong lịch sử nhằm vào Liên Xô với chiến dịch Barbarossa. Gần 4 triệu binh sĩ, 3.000 xe tăng, 7.000 khẩu pháo và 2.500 chiến đấu cơ được Hitler huy động cho cuộc tấn công vào biên giới phía tây của Liên Xô, gây bất ngờ cho Hồng quân.
Việc thiếu xe tăng và vũ khí chống tăng hiệu quả khiến các nỗ lực đẩy lui quân Đức trở nên vô ích. Mỗi giờ trôi qua, xe tăng Đức lại gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng mặt đất của Liên Xô.
Trong tình cảnh đó, giải pháp Liên Xô đưa ra không phải là dùng xe tăng hay pháo hạng nặng đáp trả mà là sử dụng một "loại bom" đặc biệt, có 4 chân và biết chạy: Chó chống tăng.
Đây là những con chó được huấn luyện đặc biệt để mang theo mìn tiêu diệt xe tăng địch.
Làm sao để chó lao tới xe tăng địch trong cảnh đạn bay súng nổ?
Liên Xô bắt đầu đào tạo chó chống tăng từ thập niên 30, trước khi chiến dịch Barbarossa bắt đầu. Các thử nghiệm do Tổng cục Kỹ thuật Thiết giáp thực hiện. Kết quả thử nghiệm cho thấy chó chống tăng có hiệu quả.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), những người nhân giống chó đã bàn giao khoảng 60.000 con chó cho Hồng quân. Những con chó này đã được huấn luyện bài bản tại các trung tâm huấn luyện chuyên biệt trước khi được đưa ra chiến trường.
Quá trình huấn luyện ban đầu được thực hiện tại 3 trong tổng số 12 trung tâm huấn luyện chó. Số trung tâm huấn luyện chó chống tăng sau đó tăng lên đáng kể khi chiến sự diễn ra ác liệt ở mặt trận Phía Đông (Mặt trận Xô - Đức). Chó chăn cừu Đức là giống chủ yếu được lựa chọn để huấn luyện vì chúng nhanh nhẹn, dẻo dai và dễ dạy.
Tuy nhiên, Liên Xô khi đó gặp phải một vấn đề là thiếu nhân sự huấn luyện chó. Để giải quyết khó khăn này, giới chức Liên Xô bắt đầu tuyển dụng người có kinh nghiệm huấn luyện chó ở mọi cấp độ.
Các sĩ quan cảnh sát, thợ săn, nhà tâm lý học động vật hay thậm chí cả huấn luyện viên xiếc nhanh chóng gia nhập quân đội để tăng cường đội ngũ huấn luyện cho các tiểu đoàn chó chống tăng.
Trong quá trình huấn luyện, một vấn đề quan trọng phải giải quyết là làm cách nào để huấn luyện đàn chó chạy tới chỗ xe tăng địch. Những người huấn luyện dựa vào cơ chế phản xạ có điều kiện để làm điều đó. Cụ thể, họ để đàn chó nhịn đói rồi sau đó đặt thức ăn bên dưới một chiếc xe tăng giả địch của quân địch. Nhiều lần như vậy, đàn chó theo bản năng sẽ chạy đến chỗ những chiếc xe tăng.
Ban đầu, người huấn luyện cho đàn chó tập cùng xe tăng đứng yên. Sau đó, họ cho chúng làm quen với xe tăng chuyển động, kết hợp với tiếng súng nổ, âm thanh và nhiều hoạt động giống như ngoài chiến trường có thể khiến chó bị xao nhãng. Tất cả để chó chống tăng hình thành thói quen tập trung chạy bên dưới xe tăng địch.
Những người huấn luyện chó chống tăng cũng thử nghiệm nhiều mẫu áo gắn mìn. Mẫu đầu tiên là loại có thể tháo rời. Kế hoạch ban đầu là huấn luyện những con chó chạy bên dưới xe tăng rồi chúng sẽ cắn vào một bộ phận của chiếc áo để thả quả mìn dưới xe tăng. Quả mìn được kích nổ bằng thiết bị hẹn giờ hoặc kíp nổ từ xa.
Về lý thuyết, đây là một ý tưởng hay nhưng thực tế không suôn sẻ như vậy. Một đàn chó được huấn luyện theo cách này trong 6 tháng nhưng không con nào hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc sử dụng kíp nổ từ xa không phù hợp với quy mô của hoạt động dự kiến. Các kíp nổ từ xa thời đó không có nhiều như bây giờ.
Để dự án chó chống tăng không đi vào ngõ cụt, các biện pháp điều chỉnh được đưa ra. Mỗi con chó sẽ mang theo một quả mìn nặng 4-12kg. Quả mìn sẽ phát nổ khi đòn bẩy dài 20cm, gắn trên quả mìn, chạm vào xe tăng khiến chốt an toàn bật ra.
Lũ chó cũng được dạy cách làm quen với xe tăng và cách né tránh hỏa lực từ súng máy của quân Đức.
Những con chó chống tăng đầu tiên được cấp cho Hồng quân Liên Xô vào năm 1939. Hai năm sau, chúng được đưa vào chiến trường nhưng đã có màn ra mắt "thảm họa".
Vạn sự khởi đầu nan
Chó chống tăng từ tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 (gồm 199 người huấn luyện và 212 con chó) được triển khai lần đầu tiên trong một trận đánh gần Moscow.
Trận đánh đầu tiên của chó chống tăng thất bại hoàn toàn khi không có sự yểm trợ của bộ binh Liên Xô. Kết quả là quân Đức dễ dàng bắn chết đàn chó.
Một số người huấn luyện không bỏ mạng trong trận đánh bị quân Đức bắt giữ cùng với những con chó. Trong quá trình bị thẩm vấn, những người này tiết lộ các biện pháp huấn luyện chó chống tăng của Liên Xô.
Bất chấp tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 đã bị "xóa sổ", Liên Xô tiếp tục sử dụng chó chống tăng để đối phó xe tăng của Đức quốc xã. Chiến thuật thay đổi và công tác huấn luyện chó được khôi phục.
Lần này, mỗi khi tham chiến, chó chống tăng được bộ binh Liên Xô yểm trợ nên quân Đức không dễ dàng bắn hạ chó bằng súng trường, trong khi súng máy trên xe tăng không đủ linh hoạt để kịp bắn vào đàn chó chạy bên dưới xe tăng.
Các đơn vị xe tăng Đức thường ngừng tấn công nếu phát hiện các tiểu đoàn diệt tăng có chó chống tăng trên chiến trường. Phương pháp hiệu quả duy nhất để đối phó chó chống tăng là dùng súng phun lửa. Mỗi lần tiến công ở giai đoạn này, quân Đức quốc xã thường bắn chết nếu gặp bất kỳ con chó nào trên đường đi.
Đến cuối năm 1941, hơn 1.000 chó chống tăng được triển khai ở chiến trường. Một năm sau, số lượng chó tăng lên hơn 2.000 con.
Vô hiệu hóa xe tăng, buộc quân Đức tháo chạy
Ngày 21/7/1942, chó chống tăng đã góp công không nhỏ, giúp định đoạt kết quả một trận đánh lớn gần thành phố Taganrog.
Khi 40 xe tăng Đức quốc xã xuyên phá tuyến phòng thủ bằng súng chống tăng của lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nga, chỉ có đại đội chó chống tăng số 4 là rào cản cuối cùng ngăn xe tăng Đức quốc xã không cho tiếp cận sở chỉ huy Liên Xô.
Đồng loạt, 56 chú chó chống tăng xông lên tiêu diệt nhiều xe tăng địch. Những chú chó không chỉ ngăn cuộc tấn công của xe tăng Đức quốc xã mà còn buộc quân Đức phải tháo chạy khỏi chiến trường, theo trang Russian Beyond.
Trong một trận đánh của Cuộc bao vây Leningrad (1941-1944), một đàn chó chống tăng đã tiêu diệt nhiều xe tăng và công sự địch. Chúng khéo léo đi qua hàng rào dây thép gai rồi chạy vào lối vào boongke của quân Đức. Một số boongke và kho đạn dược của quân Đức bị phá hủy.
Tới giữa năm 1943, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi. Hồng quân Liên Xô đã nhận được đủ lượng vũ khí chống tăng. Do đó, họ ngừng sử dụng chó cho nhiệm vụ cảm tử diệt tăng.
Theo trang Rbth, chó chống tăng giúp Liên Xô tiêu diệt hơn 300 xe tăng Đức quốc xã, góp phần vào thắng lợi chung của Liên Xô. Những con chó còn lại được huấn luyện làm nhiệm vụ dò mìn hoặc tìm kiếm, cứu nạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.