Bom động đất kỳ dị của Anh: Hiệu quả ăn đứt 3.000 tấn bom

Đức Hải Thứ bảy, ngày 07/09/2019 19:31 PM (GMT+7)
3.000 tấn bom không đánh sập nổi một cây cầu của Đức nhưng chỉ một quả bom động đất đã xóa sổ nó trong chớp mắt.
Bình luận 0

Bom động đất kỳ dị

Trong những ngày tháng điên cuồng của Chiến tranh Thế giới thứ 2, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều ý tưởng phát triển vũ khí kỳ dị nhằm chiếm ưu thế trên chiến trường. Một số ý tưởng có phần điên rồ và phi thực tế song cũng có những ý tưởng rất thiết thực.

img

Bom động đất là một ý tưởng phát triển vũ khí kỳ dị song nó đã phát huy tối đa tác dụng trong chiến tranh. Ảnh: Wikipedia.

Theo Dailymail, trong những năm ác liệt ấy, nhà khoa học Barnes Wallis của Anh đã đưa ra ý tưởng phát triển một loại bom rất độc đáo đó là bom động đất. Loại bom này không tiêu diệt mục tiêu trực tiếp theo kiểu tiếp xúc trên mặt mà khoan sâu xuống đất 30 mét mới nổ. Vụ nổ sâu dưới lòng đất tạo nên một cơn địa chấn đủ mạnh để phá hủy mọi thứ trên mặt đất.

Để quả bom có thể khoan sâu xuống lòng đất, Wallis đã đề xuất phát triển một quả bom có trọng lượng tới 10 tấn. Nó có hình dáng khí động học kiểu thon nhọn, các cánh lái ở đuôi hơi vặn xoắn làm cho quả bom xoay như một viên đạn ra khỏi nòng súng. Người ta sẽ thả bom động đất ở độ cao 12 km để tăng khả năng khoan sâu xuống lòng đất. Phần mũi của bom được gia cường bằng lớp thép đặc biệt dày tới 10 cm, đảm bảo quả bom không vỡ tan khi tiếp đất ở tốc độ cao.

Ban đầu ý tưởng của Wallis không được giới chức quân đội và các chính trị gia Anh quan tâm. Loại bom lớn như vậy chưa từng được chế tạo, người ta không thể chắc chắn nó có hiệu quả hay không. Bản thân Wallis là một kỹ sư chế tạo máy bay, không phải là chuyên gia về đạn dược nên đề xuất của ông chưa đủ sức thuyết phục chính phủ Anh đầu tư.

Trong lúc khó khăn đó thì một đứa con tinh thần khác của Wallis là bom lướt đã đạt được thành công vang dội. Loại bom này có thể lướt trên mặt nước như một mảnh sành, sau đó nó sẽ chìm xuống nước rồi phát nổ làm tăng khả năng phá vỡ  các đập nước của Đức.

Chính phủ Anh đã bị thuyết phục rằng, một quả bom nổ dưới lòng đất hay dưới mặt nước sẽ có sức công phá mạnh hơn. Ngày 18/7/1943, bom động đất chính thực được chế tạo, một trong những quả bom lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Mẫu bom đầu tiên nhỏ hơn so với thiết kế ban đầu. Nó dài 6,4 m, nặng khoảng 5,5 tấn, bên trong chứa khối thuốc nổ dài tới 1,9 m.

Thành tích chiến đấu cực kỳ ấn tượng

img

Hình ảnh bom động đất phá hủy cầu đường sắt Bielefeld mà trước đó 3.000 tấn bom không đánh sập nổi nó. Ảnh: Dailymail.

Phi đội 617, Không quân Hoàng gia Anh là đơn vị đầu tiên thực hiện nhiệm vụ ném bom động đất vào ngày 5/8/1944. Mục tiêu là boongke trú ẩn của các tàu ngầm U-boat của Đức ở tây bắc nước Pháp. Boongke này có lớp bê tông cốt thép dày tới 6 m. Mặc dù bom động đất không thể xuyên qua được lớp bê tông dày 6 m nhưng chấn động từ vụ nổ đã gây ra các vết nứt lớn và phá hủy các cấu trúc ở bên dưới.

Sau thành công ban đầu, phe đồng minh đã quyết định phát triển bom động đất với kích thước đầy đủ. Quả bom có mật danh “Grand Slam” có chiều dài 8,8 m, đường kính 1,17 m. Người ta phải sửa đổi máy bay ném bom Avro Lancaster mới có thể mang quả bom khổng lồ này đến mục tiêu.

Ngày 14/3/1945, bom Grand Slam được sử dụng, mục tiêu là cầu đường sắt Bielefeld nằm trên đường tiếp vận cho quân đội Đức quốc xã. Trước đó, các máy bay đồng minh đã ném xuống đây hơn 3.000 tấn bom nhưng cây cầu vẫn đứng vững. Nhưng chỉ một quả bom động đất đã khiến cây cầu sụp đổ hoàn toàn. Vụ nổ trong lòng đất tạo ra một cơn địa chấn khiến các mố cầu bị đổ sập.

Tổng cộng lực lượng đồng minh đã sử dụng bom động đất 42 lần trong Thế chiến II. Nó đã gây ra sự tàn phá rất khủng khiếp. Ý tưởng kỳ lạ của Barnes Wallis đã phát huy tối đa hiệu quả cho dù ban đầu nó không thực sự hấp dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem