Bí mật về máy bay ném bom siêu thanh vượt thời gian của Đức

Đức Hải Thứ hai, ngày 19/08/2019 18:32 PM (GMT+7)
Đức quốc xã từng lên kế hoạch phát triển một máy bay ném bom siêu thanh có thể tấn công bất cứ nơi đâu trên trái đất.
Bình luận 0

Từ giữa năm 1943, quân đội Đức quốc xã bắt đầu mất ưu thế trên chiến trường. Những máy bay ném bom chiến lược như B-17 của Mỹ đánh phá ác liệt các thành phố ở Đức. Giới lãnh đạo quân sự Đức bắt đầu cảm nhận thấy nguy cơ bị đánh bại nếu không ngăn chặn sức mạnh tấn công của Mỹ.

img

Máy bay ném bom địa cầu có tốc độ siêu thanh là một ý tưởng vượt thời gian của Đức quốc xã. Ảnh: Armaghplanet.

Theo Daily Mail, Thống chế Hermann Göring, Tư lệnh Không quân Đức quốc xã đã nghĩ đến việc đánh bom các nhà máy sản xuất máy bay B-17 nhằm ngăn chặn sức tấn công của Mỹ. Không quân Đức lại không có máy bay ném bom tầm xa, nên họ không thể thực hiện việc ném bom nước Mỹ.

Göring đã triệu tập một số nhà khoa học hàng đầu của Đức quốc xã và thành lập một phòng thí nghiệm để nghiên cứu các khả năng tấn công nước Mỹ. Trong báo cáo mà các nhà khoa học gửi lên cho Göring, ông ta đặc biệt quan tâm đến đề án của Eugen Saenger. Nhà khoa học hàng đầu nước Đức đã trình bày những ý tưởng vượt thời gian đáng kinh ngạc: Phát triển một máy bay ném bom địa cầu. Nó có thể tiếp cận mục tiêu ở nửa vòng trái đất trong thời gian ngắn nhất.

img

Nếu thành công, máy bay ném bom địa cầu thực sự là một vũ khí có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh. Ảnh: Gizmodo.

Máy bay ném bom địa cầu của Eugen Saenger hoạt động như một tàu con thoi ngày nay. Để cất cánh, người ta sẽ dùng một tên lửa đẩy máy bay trên một đường ray có chiều dài khoảng 2,7 km. Tên lửa đẩy sẽ giúp máy bay đạt tốc độ hàng nghìn kilomet mỗi giờ.

Khi rời khỏi đường ray, một tên lửa đẩy thứ 2 bên trong máy bay sẽ đẩy nó lên độ cao 145 km. Khi đã đạt độ cao quỹ đạo tối đa, máy bay sẽ quay trở lại trái đất giống như một tàu con thoi. Lúc này, phi công sẽ bay lao từ trên bầu trời xuống với tốc độ lên đến 22.000 km/h. Với tốc độ này, máy bay chỉ mất hai giờ đồng hồ để bay qua trái đất.

Nếu thành công, Đức quốc xã đã có trong tay công cụ có thể tấn công mọi nơi trên trái đất. Nhà sử học hàng không David Myhra nói: “Đức quốc xã có kế hoạch trang bị cho máy bay của Saeger một loại bom chứa phóng xạ và cho nổ trên bầu trời New York nhằm tạo ra một đám mây phóng xạ. Đó là nguyên mẫu của một loại bom bẩn”.

Một quả bom bẩn chứa phóng xạ nổ trên không sẽ gieo rắc sự chết chóc trên một khu vực rộng lớn. Sau khi ném bom, máy bay sẽ quay lại Đức theo cách ban đầu. Thống chế Hermann Göring lập tức tạo mọi điều kiện cho Eugen Saenger phát triển máy bay ném bom địa cầu ở một khu vực bí mật phía bắc nước Đức.

img

Đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ là một khái niệm bắt nguồn từ ý tưởng máy bay ném bom địa cầu của Saenger. Ảnh: Wired.

Tuy nhiên, Göring và giới lãnh đạo quân sự Đức quốc xã đã không biết rằng Saenger có một bí mật. Ông ta biết rất rõ rằng ý tưởng máy bay ném bom địa cầu phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện. Trong lúc đó, thời gian là thứ vô cùng cấp bách đối với Đế chế thứ 3. Göring sớm nhận ra rằng, máy bay ném bom địa cầu là một ý tưởng quá xa vời so với thực tế.

Dự án máy bay ném bom địa cầu bị hủy bỏ, Eugen Saenger đã may mắn trốn thoát sang Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, giới khoa học Mỹ đã phân tích kỹ các báo cáo về máy bay ném bom địa cầu của Saenger. Một số khái niệm của Saenger như lá chắn nhiệt cho máy bay để tái xâm nhập bầu khí quyển được áp dụng cho các tàu con thoi hiện đại.

Khái niệm phát triển đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ ngày nay xuất phát từ ý tưởng máy bay ném bom địa cầu của Saenger. Với mặt bằng công nghệ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, rất khó để Saeger và các cộng sự của ông có thể phát triển thành công  máy bay ném bom địa cầu. Song khái niệm tái xâm nhập bầu khí quyển của Saenger đã mở đường cho sự phát triển của các tàu con thoi về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem