Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới.
Mở rộng tín dụng, tín dụng đen vẫn tồn tại
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, thời gian qua, tín dụng đen gia tăng đã gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân. Vì vậy, nhằm hạn chế tín dụng đen đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực.
Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7.9.2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá.
Người dân không khó để tiếp cận các địa chỉ cho vay tín dụng lãi cao. ảnh: Huyền Anh
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Kết quả, tính đến 27.3.2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang cung ứng tín dụng cho gần 4 triệu hộ nông dân và cá nhân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) đặt câu hỏi: Các ngân hàng triển khai rất tốt chương trình vay vốn, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, nhưng sao tín dụng đen vẫn tăng, như con số của NHNN thống kê tới 2.500 tỷ đồng?
Chưa kể, với học sinh, sinh viên, công nhân… vấn đề tín dụng đen còn nhức nhối. Công nhân ở đây cũng phần lớn là con em nông dân. “Có những điểm ngân hàng phối hợp với đoàn thể triển khai cho vay rất mạnh, nhưng tín dụng đen rất nghiêm trọng, khốc liệt như ở Thanh Hóa” - ông Thắng nêu rõ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toản - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Chính sách, Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tín dụng đen đã len lỏi mọi ngóc ngách, đặc biệt là tại những khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông, công nhân phải tìm đến tín dụng đen do bị ốm đau, lo tiền học hành con cái, dịp lễ, tết, gia đình khó khăn... “Nhiều công nhân vì tín dụng đen mà không dám đến nơi làm việc, bỏ vợ con, về quê. Thậm chí, nhiều người bị nhóm đòi nợ uy hiếp đánh đập” - ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản công nhân tiếp cận vốn phải xử lý nhiều thủ tục. Còn những người cho vay tín dụng đen, họ vào tận nhà, tận nơi công nhân làm việc phát tờ rơi. Họ cho công nhân vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, ký xác nhận vay là đủ. Tuy nhiên, họ có một lực lượng xã hội đen đòi nợ rất lớn.
Giải bài toán thủ tục nhanh, an toàn vốn
Nhìn nhận từ thực tiễn trên, ông Đào Minh Tú thừa nhận, việc giải quyết tốt tín dụng chính thức sẽ hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, để hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen thì cần thiết phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương.
“Ngân hàng không thể có chi nhánh tới tận thôn, xã để có thể nắm bắt chính xác thông tin từng người vay vốn. Ví dụ như, người vay vốn thuộc xã nào, huyện nào, thôn nào; họ có sử dụng vốn đúng mục đích hay không? Việc xác định đúng và trúng nhu cầu của khách hàng sẽ giảm được rủi ro trong hoạt động tín dụng. Đặc biệt, sẽ không còn tình trạng vô tình tiếp tay cho đối tượng sử dụng vốn không đúng mục đích” - ông Tú nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cho biết thêm, làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục cho vay nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất, nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng" là mục tiêu hàng đầu trong đẩy lùi tín dụng đen thông qua mở rộng kênh tín dụng chính thức.
Điều này càng khẳng định vai trò của tổ chức, đoàn thể là cần thiết. Sự vào cuộc của các cơ quan địa phương và đoàn thể sẽ là "cánh tay nối dài" hỗ trợ cho các ngân hàng. Bởi vậy, đại diện NHNN cho biết, NHNN sẽ ký quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… đẩy lùi tín dụng đen.
Liên quan đến các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, ông Tú cho rằng, không thể phủ nhận các tổ chức này sát sườn với nhu cầu người dân. Tuy nhiên, cần phải chặn mặt trái hoạt động cho vay của các tổ chức này, hạn chế lãi suất quá cao không thể chấp nhận. Có người còn ví von là tín “dụng đen nhà nước”. Thậm chí, một số công ty tài chính lại tiếp tay cho xã hội đen để đi đòi nợ thuê thì không được, như thế anh chẳng khác gì xã hội đen” - ông Tú nói.
Do vậy, NHNN sẽ sửa Thông tư 43 về việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng theo hướng phù hơp, tạo điều kiện cho công ty tài chính phát triển nhưng trong khuôn khổ, có giám sát để đảm bảo quyền lợi của người dân, đảm bảo môi trường lành mạnh cho công ty tài chính và đảm bảo quản lý Nhà nước với các công ty này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.