Trao đổi với PV tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I.2019, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, cho biết, vấn nạn tín dụng đen đang dần trở thành điểm nóng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Lợi dụng nhu cầu vay vốn của những nhóm đối tượng thu nhập thấp, thiếu hiểu biết về tài chính để cho vay với mức lãi suất cao, từ 50% tới hơn 100%.
“Nếu người đi vay không trả được nợ, đối tượng thu nợ sẵn sàng sử dụng các biện pháp mang tính chất xã hội đen. Nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh khốn đốn sau những giao dịch vay mượn từ tín dụng đen. Qua đây, tôi cũng muốn cảnh báo rằng tín dụng đen không chỉ tấn công những người nghèo, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp, tấn công cả hệ thống ngân hàng. Chính tôi cũng phải ngạc nhiên!
Thời gian qua, có trường hợp mang một số tiền rất lớn tới gửi tại các ngân hàng. Rồi họ dùng số tiền gửi đó thế chấp cho bên thứ 3 vay tiền. Khi bên thứ 3 đã vay tiền, họ lại lợi dụng kẽ hở trong hoạt động ngân hàng, lợi dụng cả lòng tin cán bộ ngân hàng để thoái thác trách nhiệm thế chấp tiền gửi cho ngân hàng, tức là đòi lại tiền đã gửi cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguồn vốn tín dụng đen hiện tại có thể xuất phát từ trong nước, cũng có thể là nguồn vốn từ nước ngoài.
“Họ dùng những nguồn vốn đó để cho vay, thu về số tiền gấp từ 6-7 lần số vốn đã bỏ ra, và dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. Tín dụng đen bây giờ không chỉ là việc vay nóng với lãi suất cao. Cả hệ thống ngân hàng cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam gây ra khủng hoảng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Đối với lãi suất, khi đặt chỉ tiêu duy trì mức lạm phát gần 4%, các ngân hàng phải cho vay kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất khoảng 8%, mức lãi suất này khó có thể giảm. Bên cạnh vấn đề chi phí và lạm phát đẩy lãi suất lên, nợ xấu cũng là một vấn đề vô cùng đáng lo ngại. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn, chừng nào nợ xấu còn thì ngân hàng vẫn phải nuôi nợ xấu.
Ngoài ra, ngân hàng đang phải nuôi những tài sản không sinh lời và tài sản đó có thể gây ra khủng hoảng lớn.
"Nếu tôi có 100 đồng nợ và phải trả 8 đồng cho 100 đồng đó mà lại không sinh lợi. Đáng lẽ phải sinh lợi ra 10 đồng để lãi 2 đồng vả trả 8 đồng phí. Nhưng nợ xấu thì không có lãi và thiệt 8 đồng, đó là những tài sản xấu. Sổ sách rất đẹp nhưng dòng tiền thực thì không có", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Hiếu cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm tính thanh khoản của ngân hàng và góp phần làm tăng lãi suất lên để thu hút tiền gửi nuôi ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt sinh tồn, tăng dự trữ bắt buộc sẽ giúp ngân hàng duy trì sự sống, gửi tiền vào trong ngân hàng trung ương và lúc khó khăn thì rút ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.