Lê Giang
Chủ nhật, ngày 18/06/2023 08:10 AM (GMT+7)
TP.HCM đang nỗ lực tìm kiếm những nhân tố trẻ để đào tạo thành các tài năng trong tương lai để đưa bóng bàn thành phố trở lại thời vàng son thuở nào. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất và sự đầu tư hiện tại, bóng bàn TP.HCM khó có thể tạo sự bứt phá mạnh mẽ.
Gần 400 tay vợt nhí tranh tài Giải bóng bàn Năng khiếu và giải Trẻ TP.HCM
Giải bóng bàn Năng khiếu và giải Trẻ TP.HCM năm 2023 diễn ra tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư từ ngày 8-18/6. Đây là cơ hội để bóng bàn TP.HCM có những tài năng trẻ chất lượng trong tương lai.
Ở giải đấu này, ban tổ chức chia làm 2 hệ thi đấu. Hệ Năng khiếu và hệ đội tuyển với sự tham dự của gần 400 tay vợt đến từ 15 đơn vị quận huyện, và các CLB bóng bàn trên toàn thành phố.
Trong đó, hệ đội tuyển gồm những vận động viên trong các đội tuyển trẻ đã được đào tạo những năm qua của bóng bàn TP.HCM. Các tay vợt thi đấu ở các nội dung đơn nam, đơn nữ và đồng đội tại các nhóm tuổi 7-9, 10-11, 12-13, 14-15 và 16-18.
Với hệ phong trào, các tay vợt đến từ các CLB bóng bàn phong trào khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Các tay vợt phong trào này thi đấu ở các nhóm tuổi 7-9, 10-11, 12-13, 14-15.
Gian nan đào tạo
Bóng bàn phong trào TP.HCM phát triển mạnh mẽ với rất nhiều giải đấu phong trào. CLB tư nhân nở rộ thu hút đông đảo người tập luyện trong đó nhiều thanh thiếu niên cũng bộc lộ tài năng và niềm đam mê từ rất sớm.
Ông Từ Nhân Luân - Trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM cho biết: "TP.HCM đang nỗ lực tìm kiếm những nhân tố mới để bồi dưỡng thành các tài năng trong tương lai. Sân chơi này để các em thể hiện năng khiếu qua đó bộc lộ tài năng. Bóng bàn TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ tại hệ phong trào, tuy nhiên thời điểm hiện tại vẫn chưa có những vận động viên đẳng cấp quốc tế như thời vàng son ngày trước".
Cũng theo ông Từ Nhân Luân, các nhân tố tài năng của bóng bàn TP.HCM không thiếu. Nhưng có quá nhiều điều kiện khách quan kéo dài nhiều năm qua khiến họ không thể đạt hiệu quả cao trong việc phát triển các nhân tố trẻ thành những tài năng lớn.
Điều kiện cơ sở vật chất và việc đầu tư chưa mạnh mẽ so với các tỉnh thành khác nên họ đang dần mất đi vị thế trước các đơn vị mạnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, CAND.. Kể từ khi Mai Hoàng Mỹ Trang giã từ đội tuyển quốc gia, bóng bàn TP.HCM chỉ còn mỗi Nguyễn Khoa Diệu Khánh bám trụ trong thành phần đội tuyển.
Được đánh giá có tiềm năng nổi trội nhưng Diệu Khánh có dấu hiệu chững lại về chuyên môn so với các tay vợt khác đang được đơn vị chủ quản của họ đầu tư mạnh mẽ và thường xuyên được tập huấn tại Trung Quốc.
Thực tế, TP.HCM chưa có một trung tâm thể thao đúng nghĩa với việc cho các vận động viên ăn ở và tập luyện tập trung. Hầu hết các vận động viên tập luyện xong thì về nhà. Do đó, khi ban huấn luyện muốn nâng cao cường độ tập luyện để tính toán điểm rơi hoặc tăng cường phát triển chuyên môn thì không đảm bảo.
Mặt khác, vận động viên bóng bàn TP.HCM từ rất lâu không được đi tập huấn nước ngoài. Cùng với đó, nhiều năm qua TP.HCM cũng không có điều kiện mời chuyên gia quốc tế về phát triển chuyên môn cho các vận động viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.