Bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 31: Thành công song chưa trọn vẹn
Bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 31: Thành công chưa trọn vẹn
Nguyễn Lưu
Thứ bảy, ngày 28/05/2022 20:01 PM (GMT+7)
SEA Games 31 trên sân nhà đã kết thúc. Trong thành tích chung rất xuất sắc của đoàn thể thao Việt Nam có đóng góp của các tay vợt bóng bàn Việt Nam (BBVN), đặc biệt là tấm HCV đơn nam của Nguyễn Đức Tuân. Bên cạnh đó, có 4 tấm HCĐ (đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nữ và đơn nam).
Trước ngày vào đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 2 trên sân nhà, chỉ tiêu đặt cho các tay vợt Việt Nam là 2-3 HCV. Với kết quả cuối cùng, có thể coi thành tích của chúng ta có niềm vui thực sự nhưng lại... chưa trọn vẹn.
Quá khứ gọi mời
Ngay khi thể thao Việt Nam tái hội nhập với khu vực ở đấu trường SEA Games năm 1991, các tay vợt Việt Nam đã giành tấm HCV đồng đội nữ rất quý báu, ghi danh 2 gương mặt Trần Thu Hà và Nhan Vị Quân. 4 năm sau, tại Chiang Mai trong khuôn khổ SEA Games 18 năm 1995, tay vợt Vũ Mạnh Cường đã giành HCV đơn nam sau khi đánh bại Suseno ở trận chung kết, đặt cột mốc rất quan trọng cho môn chơi Olympic này.
2 năm sau nữa, Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy lại có tấm HCV đôi nam nữ rất ấn tượng ở SEA Games 19. Đến năm 2001, tại SEA Games 21 ở Kuala Lumpur, Malaysia, Vũ Mạnh Cường lại xuất sắc vượt qua tay vợt người gốc Hoa là Doan Yong Jun của Singapore ở bán kết và sau đó giành thắng lợi khi đánh bại tay vợt Ismu Harinto của Indonesia để giành HCV đơn nam.
2 năm sau, tại SEA Games 2003 tổ chức trên sân nhà, trong nhà thi đấu Hải Dương, tay vợt Trần Tuấn Quỳnh đã làm “nổ tung” nhà thi đấu khi đánh bại Sanguansin Phakphoom của Thái Lan để bước lên bục cao nhất giải đơn nam. Thời gian ấy, chúng ta cũng có thêm những tấm HCB cá nhân của Ngô Thu Thủy, Nguyễn Nam Hải hay Hoàng Thanh Trang.
Song, 19 năm kể từ thời điểm ấy, BBVN rơi vào tình trạng trồi sụt đáng lo ngại, nhiều cuộc thi đấu chưa có thêm kết quả đáng khen nào. 2 năm trở lại đây, BBVN được xem là khởi sắc với HCV đồng đội nam tại SEA Games 2017 và HCV đôi nam tại SEA Games 2019. Vì thế, trước kỳ SEA Games lần thứ 2 trên sân nhà, nhiều người hâm mộ đã có cái nhìn lạc quan và đặt hy vọng quá cao cho chỉ tiêu của BBVN. Điều này đã dẫn đến kết quả không như ý muốn.
Kém thông tin
Bắt đầu từ cuối thế kỷ trước, làn sóng nhập tịch ồ ạt các cây vợt người gốc Hoa đã làm chao đảo giới bóng bàn Đông Nam Á. Những cái tên Jin Jung Hong, Jang Tai Yong, Tan Pay Phe, Duan Yong Jun, Gao Ning đã trở thành nỗi khiếp đảm của các tay vợt khu vực.
Singapore nổi lên như một thành trì bất khả chiến bại của bóng bàn Đông Nam Á. Điều may mắn là tại SEA Games 2003 trên sân nhà, đảo quốc sư tử lại không phái đến Việt Nam các hảo thủ. Tại nhà thi đấu Hải Dương năm ấy, Trần Tuấn Quỳnh đã giành HCV đơn nam sau khi thắng Phakphoom của Thái Lan. Lần thứ 3, có một tay vợt Việt Nam đứng trên bục cao nhất nội dung đơn nam danh giá.
Nhưng, từ các đại hội thể thao Đông Nam Á tiếp theo, Singapore lại đưa tay vợt Gao Ning (hạng 36 TG) cùng Zang Zi, Chen Feng, Pang Xue Jie đến làm mưa làm gió. Tại SEA Games 2009, trong trận chung kết đơn nam, Gao Ning đã thắng Nguyễn Nam Hải 4-1 để giành HCV.
Cho đến trước SEA Games 31, có lẽ do BBVN đã có tấm HCV đồng đội và HCV đôi nam, chúng ta có phần chủ quan và nhận định rằng các quốc gia bạn chỉ cử sang những tay vợt trẻ đã đặt chỉ tiêu cao, lại không có sự chuẩn bị thật sự chu đáo về chuyên môn.
Đức Tuân xuất sắc
Không thể nói khác, tấm HCV đơn nam ở SEA Games 31 là một thương hiệu đặc biệt, rất cao về chuyên môn. Vì thế, tấm HCV của tay vợt Nguyễn Đức Tuân được xem là hết sức tuyệt vời.
Xem anh thi đấu ở SEA Games 31, một nhà chuyên môn khắt khe như tôi cũng phải nhận thấy Đức Tuân đã vượt qua cái bóng của những bậc đàn anh Mạnh Cường và Tuấn Quỳnh ở lối đánh: Anh đã là tay vợt “hai càng” mà không chỉ thiên về lối né trái, đánh phải nữa. Bộ pháp đẹp, đỡ phát bóng có hiệu quả và tâm lý tốt đã giúp anh chiến thắng trước bại tướng năm xưa của Tuấn Quỳnh ở ngay nhà thi đấu Hải Dương, chính là lão tướng Phakphoom với nhiều mẹo mực.
Một Nguyễn Đức Tuân xuất sắc, nhưng vẫn không làm người xem thỏa mãn vì sự sa sút của đồng đội. Khó mà tin và chấp nhận được kết quả của lần thi đấu trên sân nhà, khi BBVN chỉ giành 1 HCV cùng 4 HCĐ, lần lượt là đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nam và đôi nữ. Đi vào cụ thể, chúng ta không vượt qua được cả Malaysia và Singapore, Thái Lan. Được đặt nhiều hy vọng nhưng tay vợt xuất sắc là Anh Tú lại thi đấu sa sút đến khó hiểu, hai lần dẫn điểm song lại bị thua ngược ngay trên sân nhà! Còn các tay vợt nữ, cũng không khá hơn gì.
Thay lời kết
Vẫn biết, thất bại là mẹ thành công. Bài học được rút ra là BBVN ngay lập tức siết lại toàn bộ quy trình tập huấn, nhanh chóng ổn định khâu tổ chức và để ý đến yếu tố tình báo thể thao, điểm yếu lâu nay của chúng ta.
SEA Games 32 đã cận kề và chúng tôi tin rằng, những quốc gia còn lại đã cẩn thận đưa Đức Tuân vào kính ngắm chuyên môn. Còn nữa, tại kỳ SEA Games 32, rất có thế sàn đấu ở Campuchia lại xuất hiện những tay vợt lạ, sẵn sàng giành giật các danh hiệu cao của môn bóng bàn rất được ưa chuộng. Thời gian không chờ đợi một ai, câu hỏi xin được gửi về Liên đoàn BBVN, tổ chức xã hội vừa có tân chủ tịch và nhiều hứa hẹn về công tác xã hội hóa thể thao đỉnh cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.