Lôi nhau ra tòa
UEFA thông tin rằng 32 đội bóng dự vòng bảng Champions League mùa trước chia nhau hơn 1 tỷ USD. Barcelona – đội vô địch nhận 67 triệu USD. Man City là 1 trong 6 đội nhận hơn 50 triệu USD. Nhận được nhiều lợi nhuận như vậy, nhưng hai đội đang tranh đấu chống lại những hình phạt quá mức của chính UEFA khi tổ chức này không ủng hộ việc tự do ngôn luận của các CĐV.
UEFA ra án phạt đối với Barca vì cho rằng CĐV của họ đã mang vấn đề chính trị vào sân bóng (cờ của xứ Catalan). Ảnh: Worldsoccertalk.com
Khoản phạt đối với Barca so với khoản tiền thưởng họ nhận từ Champions League chẳng là bao. UEFA phạt họ 30.000 euro vì CĐV của họ trưng lá cờ xứ Catalan ở trận chung kết mùa trước tại Berlin. Mới đây, UEFA lại phạt Barca 40.000 euro vì lý do tương tự trong trận vòng bảng Champions League mùa này gặp Bayer Leverkusen.
“Thế là đủ”- Chủ tịch Barca, ông Josep Maria Bartomeu nói trong cuộc họp Đại hội đồng thường niên của Barca hôm Chủ nhật qua. “Các CĐV Barca bày tỏ cảm xúc của mình một cách hòa bình, không khơi gợi bạo lực, điều này không bị cấm ở bất kỳ nơi nào. Quyền tự do bày tỏ chính kiến là một trong những quyền dân chủ cơ bản nhất”- ông Bartomeu nhấn mạnh.
“Đầu tiên, chúng tôi sẽ gửi khiếu nại lên Ủy ban Khiếu nại UEFA, nếu không thành công, chúng tôi sẽ đưa lên Tòa án Thể thao quốc tế (CAS). Nếu vẫn không thành công, chúng tôi lại đưa lên Tòa án Tối cao Thụy Sĩ và nếu cần thiết sẽ đưa lên Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg”- ông Bartomeu khẳng định.
Không gương mẫu, bảo ai nghe?
Trong khi đó, vấn đề với Man City là CĐV của họ giơ chiếc khăn choàng cổ màu xanh lên cao, huýt sáo la ó khi bản nhạc hiệu giải đấu Champions League cất lên ở trận đấu gặp Sevilla tuần trước. UEFA chưa đưa ra hình phạt cụ thể với Man City, song UEFA có ý kiến sơ bộ rằng các CĐV đội này thể hiện sự thiếu tôn trọng với UEFA, với giải đấu. UEFA cho rằng nó giống như khi CĐV một đội bóng la ó khi quốc ca của đội bóng đối phương được cử lên trong một trận đấu quốc tế.
Cách đây không lâu, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã phạt Liên đoàn Bóng đá Hong Kong 5.000 franc Thụy Sĩ (5.150 USD) vì các CĐV Hong Kong la ó khi quốc ca Trung Quốc được cử lên trong trận Hong Kong gặp Qatar ngày 8.9.2015. Hong Kong trở về Trung Quốc năm 1997 nên quốc ca của Trung Quốc “Hành khúc nghĩa dũng quân” cũng trở thành quốc ca của Hong Kong. Căng thẳng giữa Hong Kong và đại lục gia tăng những năm qua đưa đến hành động này của các CĐV Hong Kong.
Nếu không muốn gắn chính trị với bóng đá thì UEFA phải gương mẫu trước. Chính tổ chức này cũng tham gia nhiều hoạt động mang tính chính trị, gần đây nhất là đóng góp 2 triệu euro để giúp đỡ trẻ em di cư đến châu Âu cải thiện điều kiện sống. Đó cũng là chính trị. UEFA có thể nói đây là mục đích chính trị tốt, nhưng làm sao phân biệt rõ ràng chính trị nào tốt, chính trị nào xấu. Các CĐV Barca cũng đang muốn người dân xứ Catalan của họ được sống tốt hơn đó thôi.
Còn việc của CĐV Man City? Họ la ó nhạc hiệu Champions League vì cách đây 1 năm, đội bóng này đến đấu với CSKA Moscow ở thủ đô của Nga. Trận đó, UEFA phạt CSKA phải thi đấu với Man City trong sân trống, không có khán giả, vì các trận trước đó, các CĐV của CSKA có những lời lẽ và hành vi phân biệt chủng tộc. Nhưng khi vào trận, bất chấp lệnh cấm của UEFA, vẫn có 600 CĐV của CSKA ngồi trên khán đài sân Khimki Arena cổ vũ. Những người này hô “CSKA, CSKA…” khi bản nhạc hiệu Champions League cất lên trước trận đấu với hàm ý chế giễu UEFA: “Các ông cấm nhưng tôi vẫn có mặt đấy”.
UEFA không đưa ra hình phạt nào cho CSKA sau đó khiến các CĐV Man City không phục, và họ bày tỏ bằng cách la ó nhạc hiệu của UEFA trong trận lượt về ở Anh hai tuần sau đó. Và thỉnh thoảng, các CĐV lại làm điều này trong một số trận Champions League. Rõ ràng, khi UEFA chưa nghiêm thì thật khó bảo các CLB phải “ngoan”!
UEFA cho biết quy định của họ là “các thông điệp mang tính chính trị, ý thức hệ, tôn giáo bị cấm ở các sân bóng”, Nhưng ông Bartomeu nói sẽ đấu tranh đến cùng với UEFA.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.