Bóng đá Nhật Bản: Một thời chỉ mong là "chiếc giày nhỏ" so với Việt Nam

Minh Anh Thứ năm, ngày 24/01/2019 13:11 PM (GMT+7)
Vào 20h tối nay, ĐT Việt Nam sẽ đối đầu ĐT Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019. Một cặp đấu được đánh giá là chênh lệch khi Nhật Bản quá mạnh. Nhưng ít người biết rằng, trong quá khứ, bóng đá Nhật Bản từng chỉ mong là “chiếc giày nhỏ” so với “chiếc giày lớn” Việt Nam...
Bình luận 0

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang kể rằng, vào thập niên 1960, trong một lần thi đấu giao hữu tại Việt Nam, đại diện bóng đá Nhật Bản đã tặng đội bóng của ông mô hình chiếc giày nhỏ với ý nghĩa bóng đá Nhật Bản chỉ như “chiếc giày nhỏ” so với “chiếc giày lớn” của bóng đá Việt Nam. Ngày ấy, Tam Lang được mệnh danh là trung vệ xuất sắc nhất châu Á, trong khi bóng đá Nhật còn khá vô danh, được thi đấu với Việt Nam là niềm mong ước của họ.

img

Công Phượng và các đồng đội từng hạ Olympic Nhật Bản tại Asiad 18.

Nhưng từ chiếc giày nhỏ ấy, bóng đá Nhật giờ đây đã 6 lần dự vòng chung kết World Cup bóng đá nam, luôn đứng đầu châu Á kể cả nam và nữ. Sự ảnh hưởng của bóng đá xứ hoa anh đào đang ngày càng bao trùm khu vực. Một mặt, họ có những đại sứ bóng đá khi khá nhiều tuyển thủ thi đấu cho các CLB mạnh nhất châu Âu ở giải Anh, Đức, Italia…, một mặt giải vô địch Nhật Bản (J.league) nhiều năm nay thu hút các chân sút châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến thi đấu.

Sức mạnh của một nền bóng đá hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng bắt đầu với cách làm từ gốc rễ. Người Nhật bắt đầu nền bóng đá của họ từ văn hóa bóng đá. Captain Tsubasa - bộ truyện tranh từng gối đầu giường của nhiều danh thủ thế giới, là cơn khởi nguồn cho bóng đá Nhật Bản. Người Nhật dạy cho trẻ em đam mê bóng đá và giấc mơ một ngày vươn ra thế giới qua Captain Tsubasa.

Sau đó, những Captain Tsubasa thực sự xuất hiện ở đời thường như Hidetoshi Nakata, Shinji Kagawa … Họ truyền cảm hứng lớn lao để bóng đá Nhật phát triển. Xen lẫn, người Nhật học từ Đức, Brazil để xây dựng một nền bóng đá khoa học.

So với bóng đá Nhật Bản thời điểm này, bóng đá Việt Nam còn kém rất xa. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi mà công tác đào tạo trẻ được chú trọng và các ông bầu giàu có, giàu tâm huyết với bóng đá đổ tiền đầu tư để tạo nên những trung tâm chất lượng, chúng ta đã có những quả ngọt nhất định. Bắt đầu là tấm vé dự U20 World Cup 2017 của lứa U19, rồi tấm HCB giải U23 châu Á 2018, tiếp theo là vị trí thứ 4 tại Asiad 2018 rồi vô địch AFF Cup 2018 bằng lứa cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử. Và mới nhất chính là tấm vé vào tứ kết Asian Cup 2019, đồng thời chuẩn bị đối đầu với chính Nhật Bản.

Không nhiều người tin ĐT Việt Nam có thể gây sốc trước Nhật Bản để giành vé vào bán kết, nhưng trong bóng đá không thiếu những câu chuyện cổ tích. Bóng đá Nhật Bản từng chỉ mong là “chiếc giày nhỏ” với với “chiếc giày lớn” Việt Nam, nhưng giờ đã vươn lên đứng hàng đầu khu vực, vậy tại sao Công Phượng và các đồng đội lại không dám mơ tới cuộc lật đổ “gã khổng lồ” khi có trong mình sự hưng phấn, tự tin và kinh nghiệm tranh đấu ở khắp các đấu trường châu Á suốt hơn 1 năm qua?!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem