Bóng đá Việt: Cần xuất ngoại tìm “ngọc thô”

Thứ hai, ngày 30/01/2012 15:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh chủ trương thu hút cầu thủ Việt kiều về nước, NTNN đã có cuộc trao đổi với HLV Mai Đức Chung -nguyên Trưởng bộ môn Bóng đá Tổng cục TDTT.
Bình luận 0

Sau thất bại SEA Games 26 (2011), cầu thủ Việt kiều đã được nhắc đến như một phần không thể thiếu của bóng đá Việt Nam hiện tại. Ông nghĩ sao?

- Từ sau thất bại SEA Games 2007, tôi đã đề cập tới vấn đề này rồi nhưng không thấy ai ủng hộ. Có thể vì nhìn vào số cầu thủ trẻ: Công Vinh, Vũ Phong, Việt Cường, Tiến Thành, Minh Chuyên, Tấn Tài, Quang Thanh… thi đấu tốt để lọt tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008, cùng ĐTQG vào tứ kết ASIAN Cup 2007, thì tưởng lứa trẻ của bóng đá VN còn nhiều và tốt lắm. Ai ngờ…

Theo ông, mặt bằng chất lượng chuyên môn cầu thủ Việt kiều ra sao?

- Cầu thủ Việt kiều được đào tạo bài bản trong môi trường chuyên nghiệp tại các CLB danh tiếng ở châu Âu thì phải có chất lượng đảm bảo rồi. Tôi từng rất ấn tượng với anh em Patrik Lê Giang, Emil Lê Giang. Ở Đức, có rất nhiều cầu thủ Việt kiều sáng giá mà Phan Mạnh Mike, Phan Trường Norman (đội trẻ Hertha Berlin), Tuấn Anh (trẻ Dresden), Christopher Nguyễn (Hassen Kessel)… là ví dụ. Đó là những cầu thủ trẻ có thể chơi tốt ở V.League, đội U23 QG. Vấn đề là họ cần có thêm nhiều thời gian để làm quen với điều kiện sinh hoạt, tập luyện ở Việt Nam để thể hiện hết năng lực của mình.

Không chỉ ở châu Âu, mà trên khắp thế giới, có nhiều cầu thủ Việt kiều tài năng. Nhưng chúng ta phải biết cách phát hiện, thu hút “ngọc thô” từ khi họ còn trẻ. Phải đi ra nước ngoài tìm kiếm, chứ không thể ngồi nhà chờ họ thành danh, được các CLB hàng đầu thế giới chú ý rồi mới nghĩ đến thì khó lắm.

Ông suy nghĩ gì khi Đại hội cổ đông VPF đã thông qua việc không tính suất ngoại binh đối với cầu thủ Việt kiều (có bố hoặc mẹ là người Việt Nam) kể từ lượt về V.League 2012, dù họ chưa nhập quốc tịch Việt Nam?

- Rất tốt. Với cách làm này, bản thân mỗi CLB cũng sẽ tự thân vận động tìm cầu thủ Việt kiều bổ sung, tăng cường sức mạnh nội binh. Tôi chỉ băn khoăn là trên thế giới chưa hề có chuyện đó. Chúng ta là nước đầu tiên áp dụng chuyện này cũng phải rất thận trọng sao cho vừa phù hợp với luật pháp Việt Nam, vừa không vi phạm tinh thần luật của FIFA.

Ông có đề xuất gì để thu hút cầu thủ Việt kiều?

- Trước đây, cầu thủ Việt kiều muốn về nước thử việc gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài kinh phí di chuyển đi lại, ăn ở, điều nan giải nhất là thời gian. Họ đều thuộc quân số của một CLB nào đó ở nước ngoài và không thể về nước khi mùa giải đang diễn ra. Đó là chưa kể đến những rào cản về thời gian học văn hoá. Trong tương lai, VFF cần có bộ phận chuyên lo việc thu hút cầu thủ Việt kiều. Bộ phận này phải đưa ra được lộ trình, lựa chọn được những thời điểm hợp lý để cầu thủ Việt kiều có thể về nước “khoe tài”.

Vào tháng 3.2012 tôi sẽ sang Czech, Slovakia để tìm hiểu rõ hơn về cầu thủ Việt kiều. Sau đó sẽ cùng ông Vũ Tiến Thành - Giám đốc Công ty Sài Gòn Gia Định làm báo cáo lên Tổng cục TDTT, VFF về việc tổ chức một giải đấu dành cho các đội bóng Việt kiều: Mỹ, Đức, Australia, Canada, Czech, Slovakia ở Ninh Thuận. Qua giải đấu này, hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều cầu thủ Việt kiều tài năng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem