Không phải đến bây giờ mà từ lâu rồi, giới truyền thông, dư luận đã đặt vấn đề về việc VFF phải sớm có một đội ngũ liên lạc thường xuyên với kiều bào ta ở nước ngoài, qua đó phát hiện sớm, “khơi nguồn” cầu thủ Việt kiều về nước phục vụ quê hương. Hai trường hợp “rơi vàng” cùng sinh năm 1986 là Yohan Cabaye (khoác áo tuyển Pháp), Lee Nguyễn (tuyển Mỹ) là những bài học mà đáng ra những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần xem xét, rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. Vậy mà cho tới thời điểm này, bóng đá Việt Nam mới chỉ tìm được 1 Mạc Hồng Quân. Vậy là quá ít so với vô số cầu thủ có dòng máu Việt đủ năng lực khoác áo đội tuyển Việt Nam đang chơi bóng ở Đức, Czech, Slovakia, Mỹ...
Tristan Đỗ và Lee Nguyễn đều có gốc gác Việt Nam. Ảnh: IT.
Trao đổi với Dân Việt, HLV đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng HLV quốc gia Mai Đức Chung nói: “Tôi đã đề cập nhiều lần về nguồn cầu thủ Việt kiều với VFF rồi. Nếu khai thác được nguồn này, sức mạnh của bóng đá nước nhà chắc chắn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Nhưng đến lúc này, ở VFF, chỉ có tôi là còn giữ mối liên hệ với kiều bào ta ở nước ngoài. Tôi nghĩ nên có hẳn một bộ phận chuyên trách làm việc này, như vậy mới không bỏ sót nhân tài”.
>> XEM THÊM: Hoàng Vũ Samson và bi hài kịch của bóng đá Việt
Theo ông Chung, trường hợp đáng tiếc gần nhất chính là hậu vệ cánh năm nay 23 tuổi Tristan Đỗ: “Tôi biết ông bà nội cậu ta ở Ngọc Hà (Hà Nội) từ lâu rồi và cũng biết rõ khả năng của cậu ta. Nhưng không hiểu sao việc nhập tịch của Việt Nam khó khăn lắm, không thuận lợi như các nước khác. Cầu thủ trẻ thì người ta luôn khát khao được thi đấu, người ta không chờ mình được”.
Có thể hiểu sự tiếc nuối của ông Chung khi Tristan Đỗ (ông bà nội của Tristan Đỗ là người Việt Nam nhưng di cư sang Thái Lan và sinh ra bố của cầu thủ này ở đó. Cha của anh sang Pháp du học, ở lại lập nghiệp rồi sinh ra Tristan Đỗ-PV. Tristan Đỗ trưởng thành từ lò đào tạo RC Strasbourg của Pháp và sau đó khoác áo Lorient) lọt vào mắt xanh của HLV Kiatisuk và liên tiếp để lại những “vết cứa” đối với các đội tuyển Việt Nam.
>> XEM THÊM: Những quốc gia Đông Nam Á “lên hương” nhờ nhập tịch
Trong trận đấu tại vòng bảng SEA Games 2015, Tristan Đỗ đã thể hiện kỹ năng tuyệt vời với bàn nâng tỷ số lên 3-0, trước khi Thanh Bình ghi bàn danh dự cho U23 Việt Nam. Tới cuộc đọ sức ở cấp độ đội tuyển trên sân Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2018 tháng 10 năm ngoái, Tristan Đỗ đá hết 90 phút giúp tuyển Thái Lan “làm mưa làm gió” thắng tuyển Việt Nam 3-0.
Đến giờ thì thử hỏi những ai đó còn lăn tăn, bảo thủ không nên dùng “chất ngoại” ở đội tuyển Việt Nam sẽ nghĩ gì? Đành rằng Singapore, Indonesia, Philippines và cả… Đông Timor ồ ạt nhập tịch ngoại binh để nâng chất đội tuyển ở SEA Games, AFF Cup là có cái lý gắn với điều kiện, hoàn cảnh riêng của họ. Bóng đá Việt Nam ta thiếu gì tài năng mà phải “bắt chước” chiêu ấy? Nhưng sẽ trả lời làm sao khi những nền bóng đá tiên tiến nhất trên thế giới, ở châu Á có Nhật Bản cũng có thời điểm cần “chất ngoại” để tăng tính cạnh tranh tròng lòng đội tuyển, kích thích sự phát triển của bóng đá trong nước? Gần Việt Nam nhất, bóng đá Thái Lan có trình độ nhỉnh hơn, có nền tảng đào tạo trẻ tốt hơn hẳn, vậy mà họ vẫn cần Tristan Đỗ đấy thôi (?!). Đó là chưa kể đến ý nghĩa tích cực nói chung, chính “chất ngoại” đã góp phần không nhỏ giúp bóng đá “vùng trũng” hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
>> XEM THÊM: Chị họ Công Phượng gọi điện “kêu cứu” vụ HAGL nợ lương
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, chia sẻ về câu chuyện nói trên, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh – người từng đi Đức, Czech, Slovakia để tìm hiểu về nguồn cầu thủ Việt kiều nói: “Chúng ta từng mời những cầu thủ Việt kiều về nước thử việc nhưng cuối cùng chỉ “đọng” lại mỗi Mạc Hồng Quân. Theo tôi, những người bị loại, trình độ họ vẫn rất tốt, cơ bản, chuyên nghiệp nhưng bị cầu thủ Việt mình “đì” thôi. Tôi ví dụ thời tôi làm HLV ở CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên, cầu thủ gốc Việt có gốc ở Bến Tre là tiền đạo Johnny Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1986, từng chơi cho đội trẻ Lens, Sedan, State de Reims-Pháp) có kỹ năng chơi bóng rất tốt, cũng đã nhập tịch Việt Nam rồi nhưng cũng không trụ lại nổi”.
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng để nâng chất bóng đá Việt Nam ở thời điểm này, VFF cần nhanh chóng lập ra một bộ phận chuyên trách “săn” cầu thủ Việt kiều. Ngoài những nhà chuyên môn, bộ phận này cần có sự tham gia của cả các luật sư để “gỡ rối”, hoàn tất cả thủ tục pháp lý một cách thuận lợi nhất cho các cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt về nước phục vụ quê hương: “Tôi rất mê Lee Nguyễn, cậu ta thực sự là cầu thủ rất tốt về cả kỹ năng chơi bóng và tư duy. Trường hợp của Lee Nguyễn, vẫn có thể khoác áo tuyển Việt Nam được và cậu ta đã bày tỏ nguyện vọng rồi. Vậy mà chúng ta lại quá thờ ơ, để mất một tài năng. Giờ Lee Nguyễn đang ngày càng “chín” trong màu áo New England Revolution, được đánh giá là một trong những tiền vệ kiến thiết tài năng nhất ở giải Nhà nghề Mỹ. Lee Nguyễn cũng đã được HLV Klinsmann gọi vào đội tuyển Mỹ chuẩn bị cho hai trận gặp Guatemala vào các ngày 25 và 29.3, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Chẳng lẽ họ lại không biết “nhìn người” bằng chúng ta hay sao?”, ông Vinh chốt lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.