Lối đá kiểm soát (Kỳ 2): Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?

Phạm Trần Oánh Thứ bảy, ngày 30/03/2024 13:10 PM (GMT+7)
Bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại nếu lựa chọn lối đá kiểm soát bóng kiểu như các đội bóng hàng đầu thế giới đang chơi.
Bình luận 0

Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?

Trước khi tìm hiểu xem bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối đá kiểm soát hay không, Chúng ta tìm hiểu xem vì sao mà bóng đá Việt Nam cần thay đổi khi đang chơi phòng ngự phản công?

Như ta đã biết, bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành công vang dội trong thời kỳ HLV Park Hang-seo làm HLV trưởng ĐT Việt Nam. Với lối đá phòng thủ phản công rất khó chịu, ĐT Việt Nam đã gây nhiều khó khăn cho các đội bóng lớn ở châu Á.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 2): Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?- Ảnh 1.

Lối chơi của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo không thực sự thành công trong giai đoạn cuối cùng. Ảnh:VNN

Nhưng đến cuối giai đoạn thành công này, thành tích của ĐT Việt Nam chững lại. Tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam chỉ có 1 trận thắng (trước ĐT Trung Quốc), 1 trận hòa (trước ĐT Nhật Bản) và thua đến 8 trận, giành được 4 điểm và đứng cuối bảng.

Trở về đấu trường khu vực, ĐT Việt Nam tỏ ra bất lực trước ĐT Philipines với lối đá phòng ngự chặt và thất bại trước ĐT Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2022. Dường như chiến thuật phòng ngự phản công của ĐT Việt Nam dần bị bắt bài, thành tích của đội bóng với lối đá này đã đến ngưỡng.

Chúng ta sẽ phân tích lối đá của ĐT Việt Nam dưới tay HLV Park Hang-seo qua 2 trạng thái "Không kiểm soát bóng", "Kiểm soát bóng" và 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái trong 1 trận đấu đã được nói tới ở kỳ trước.

Đầu tiên là trạng thái "Không kiểm soát bóng"

Trong trạng thái này, các cầu thủ Việt Nam thường phòng ngự chiều sâu, đôi khi pressing tầm thấp, hiếm khi pressing tầm trung và cao. Với cách bố trí phòng ngự nhiều lớp, khoa học cùng hàng hậu vệ gồm những cầu thủ có chiều cao tốt, thi đấu mạnh mẽ và rất hiểu ý và hỗ trợ cho nhau hiệu quả.

Các đối thủ rất khó xuyên thủng hàng phòng ngự này. Đây là cách mà tại Thường Châu, U23 Việt Nam dắt các đối thủ vốn có trình độ cao hơn đến loạt đá luân lưu để kết liễu họ ở đó.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 2): Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?- Ảnh 3.

ĐT Việt Nam của thầy Park từng chơi hay dù không kiểm soát bóng nhiều. Ảnh: Tuổi Trẻ

Khi cướp được bóng, các cầu thủ của ông Park Hang-seo thường lập tức tổ chức phản công, bằng nhiều hình thức, nhưng phổ biến là những đường chuyền dài vượt tuyến cho những tiền đạo năng động, khôn ngoan, tốc độ được cài sẵn ở trên. Trong khá nhiều trường hợp, khi đối thủ quá sốt ruột trước việc không thể khoan thủng hàng phòng thủ Việt Nam, càng lúc, họ càng đẩy cao đội hình lên để hỗ trợ tấn công, gây áp lực, đó là lúc họ dính đòn phản công.

Thứ hai, trạng thái "Kiểm soát bóng"

Trong trạng thái này, nếu là với các đối thủ mạnh hơn, các cầu thủ của ông Park Hang-seo thường tổ chức tấn công bằng các đường chuyền dài, vượt tuyến. Cách triển khai tấn công này có ưu điểm là an toàn, nếu mất bóng thì điểm mất bóng xa cầu môn đội nhà.

Đây cũng là lý do mà thời gian kiểm soát bóng của ĐT Việt Nam thời kỳ này thường thấp hơn nhiều so với đối thủ. Khi đối diện với đối thủ ngang tầm hay yếu hơn chơi chủ động phòng ngự, kiểu như trận giao hữu gặp Philipines năm 2022 trên sân Mỹ Đình, trong trạng thái "Kiểm soát bóng", các cầu thủ Việt Nam tỏ rõ sự lúng túng và bất lực khi tổ chức phối hợp tấn công, khoan phá hàng phòng ngự chủ động của đối phương, tìm kiếm bàn thắng.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 2): Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?- Ảnh 4.

Khả năng chuyển đổi trạng thái mang tính rất quan trọng. Ảnh: VFF

Sau khi mất bóng, hiếm khi các cầu thủ của ông Park Hang-seo tổ chức counter-press, tức là cả đội hay nhóm các cầu thủ lập tức hỗ trợ nhau phong tỏa đối phương cướp lại bóng. Thay vào đó, cầu thủ vừa để mất bóng thực hiện "apply pressure", truy cản cầu thủ đối phương cầm bóng, giảm nhịp độ phản công của đối phương, để hàng thủ có thời gian "reshape", lùi về ổn định đội hình phòng thủ.

Điểm mạnh của cách này là chuyển đổi trạng thái nhanh chóng, an toàn cho hàng phòng thủ. Điểm yếu là bỏ qua thời điểm có thể cướp lại bóng dễ dàng nhất, có thể gây đột biến, tạo bất ngờ cho đối phương, vì chúng ta có quy luật đã nhắc đến ở kỳ trước: Thời điểm dễ nhất để lấy lại bóng là khi bạn vừa bị mất bóng.

Qua các phân tích trong 2 trạng thái và 2 giai đoạn chuyển đổi trạng thái nói trên, ta nhận thấy, ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo chỉ có ưu thế trong trạng thái "Không kiểm soát bóng" trước các đối thủ trên cơ. Họ khai thác tốt giai đoạn chuyển đổi trạng thái khi cướp được bóng, tổ chức phản công. Ngược lại, họ không giỏi trong trạng thái "Kiểm soát bóng" trước mọi đối thủ dù mạnh hay yếu, và không có khả năng tạo đột biến, gây nguy hiểm khi chuyển đổi trạng thái lúc mất bóng.

Rõ ràng, việc chỉ mạnh trong những trạng thái và giai đoạn chuyển đổi trạng thái nhất định như ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park khiến họ chỉ là đội bóng có khả năng gây khó chịu cho các đội bóng mạnh chứ không phải là 1 đội bóng mạnh. Và đó là lý do xuất hiện nhu cầu thay đổi lối đá.

Thực tế, HLV Park hiểu rõ điều này. Chính ông đã chủ động thay đổi lối đá, hướng đến tăng cường kiểm soát bóng của ĐT Việt Nam trong những trận đấu sau cùng của ông trên cương vị HLV trưởng.

Bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối đá kiểm soát không?

Bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại nếu lựa chọn lối đá kiểm soát bóng kiểu như các đội bóng hàng đầu thế giới đang chơi. Ví dụ điển hình như Barcelona của Pep Gaurdiola, với triết lý lấy tấn công làm phòng ngự, couter-press rồi kiểm soát bóng, rồi lại counter-press nếu mất bóng để rồi kiểm soát bóng.

Hay Liverpool của Jurgen Klopp, liên tục counter-press, phản công, rồi lại counter-press rồi phản công, lặp đi lặp lại với tốc độ chớp nhoáng. Các lối đá này đòi hỏi thể lực cực tốt và trình độ kỹ thuật rất cao. Đó là điều không có ở các cầu thủ Việt Nam hiện tại.

Lối đá kiểm soát (Kỳ 2): Tại sao bóng đá Việt Nam cần thay đổi?- Ảnh 5.

Việc lựa chọn lối chơi phù hợp cho ĐT Việt Nam là điều không dễ dàng. Ảnh: VOV

Nhưng chúng ta có thể lựa chọn một lối chơi kiểm soát phù hợp, để khắc phục các điểm yếu đã phân tích ở trên trong các trạng thái thi đấu và các giai đoạn chuyển đổi trạng thái. Trong khi các đội bóng hàng đầu thế giới có thể điều chỉnh nhân sự cho phù hợp với từng đối thủ cụ thể chứ họ không thay đổi lối đá trước mọi đối thủ, thì bóng đá Việt Nam có thể chọn con đường đa dạng hóa lối chơi.

Có nghĩa là khi đối đầu với đối thủ mạnh, ta đá phòng ngự phản công. Nhưng nếu gặp đối thủ vừa tầm hay yếu hơn, ta có khả năng giải quyết trận đấu trong trạng thái "Kiểm soát bóng".

Điều đó được thực hiện bằng cách phát huy nền tảng lối chơi phòng ngự phản công đã được xây dựng từ thời HLV Park Hang-seo, vững chãi trong trạng thái "Không kiểm soát bóng", sẵn sàng pressing tuy không thường xuyên để đảm bảo thể lực. Bên cạnh đó, tăng nguy hiểm trong giai đoạn chuyển đổi trạng thái, phản công hay thỉnh thoảng counter-press. Ngoài ra, cần tăng cường khả năng cầm bóng, phối hợp tấn công trong trạng thái "kiểm soát bóng" trước các đối thủ mạnh để có thể giảm nhịp độ trận đấu, giảm áp lực tấn công của đối phương, khai thác lợi thế trạng thái "kiểm soát bóng" để tạo ra ưu thế tỷ số …

ĐT Thái Lan là một ví dụ tốt cho bóng đá Việt Nam học tập. Họ đi trước Việt Nam nhiều năm trong thực hành kiểm soát bóng. Họ chuyển đổi trạng thái rất tốt. Khi đá với các đội trong khu vực, vốn có trình độ tương đương hoặc yếu hơn, họ khai thác lợi thế trạng thái "Kiểm soát bóng" một cách triệt để, áp đặt lối chơi và đánh bại đối thủ.

Nhưng khi đối đầu với các đội bóng mạnh hơn, họ chuyển sang đá phòng ngự phản công, đảm bảo sự chắc chắn trong trạng thái "Không kiểm soát bóng". Điển hình là trận hòa 1-1 của ĐT Thái Lan trước ĐT Hàn Quốc ngay trên sân k hách ở lượt đi vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á vừa qua.

Tóm lại, để không chỉ là 1 đội bóng khó chịu và trở thành 1 đội bóng mạnh, chúng ta phải thay đổi. Và bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể phù hợp với lối chơi kiểm soát, tất nhiên là với 1 sự lựa chọn phù hợp. Cuối cùng, đó là có quy luật, mọi sự thay đổi đều có rủi ro và đều cần thời gian, chúng ta phải chấp nhận quy luật đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem