Theo dự thảo này, VFF đặt mục tiêu trong 10 năm tới vẫn là sẽ đưa VN ổn định ở tốp 10 quốc gia hàng đầu châu Á và châu Đại dương. Mục tiêu cụ thể đối với ĐTQG nam, nữ và U23 là phải vô địch Đông Nam Á 2-3 lần, lọt vào tốp 10-12 của châu Á (với ĐTQG nam) và tốp 6-7 châu Á (với ĐTQG nữ). Ở cấp CLB, VFF tiếp tục hướng tới xây dựng bóng đá chuyên nghiệp hóa, các CLB vững mạnh về tài chính và chuyên môn (đạt thứ hạng cao ở giải VĐ các CLB châu Á, có thể tự hạch toán chi phí).
Cũng theo dự thảo, nguồn thu ngoài ngân sách của VFF theo dự tính trung bình sẽ là 100 tỷ đồng/năm (đến năm 2015) và 140 tỷ đồng/năm (đến năm 2020). Lãnh đạo VFF đang rất trông chờ đề án xổ số bóng đá sẽ được triển khai.
Khi đó, nguồn thu ngoài ngân sách có thể tăng thêm 1,3-1,5 lần, khoảng tối thiểu 130 tỷ đồng/năm và 180 tỷ đồng/năm (đến năm 2020). Đối với các CLB, nguồn thu ngoài ngân sách tương ứng đến năm 2015 và 2020 lần lượt là 25 tỷ đồng và 30 tỷ đồng (khi chưa có xổ số bóng đá); 40 tỷ đồng và 50 tỷ đồng (khi có xổ số bóng đá).
Một điểm đáng chú ý là VFF thừa nhận tình trạng tiêu cực kéo dài nhiều năm trong hoạt động bóng đá còn chậm được khắc phục. Hoạt động bóng đá chuyên nghiệp lại còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách thống nhất, ổn định lâu dài.
Ngày 13.7, dự thảo của VFF đã được trình lên lãnh đạo ngành thể thao để lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa. Theo nhiều chuyên gia thể thao, với dự thảo này, VFF đã tỏ ra “dũng cảm” khi tự đánh giá là bóng đá VN thời gian qua chủ yếu "tự thân vận động, hoạt động thiếu đồng bộ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu so với bóng đá Đông Nam Á...
Dự thảo của VFF chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng đó là: Một phần do coi nhẹ công tác giáo dục chính trị- tư tưởng, đạo đức tác phong đối với VĐV, HLV, trọng tài. Cán bộ làm bóng đá giảm sút lòng yêu nghề, ít chịu học tập. Công tác quản lý điều hành thiếu đồng bộ, chuyên môn...
Tuấn Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.